Triển khai hoàn thành 1.300 km đường cao tốc trong 3 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Ưu tiên dành nguồn lực lớn đầu tư cao tốc nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khai thêm 1.300 km đường cao tốc trong vòng 3 năm tới.
Từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc . Ảnh: Internet
Từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc . Ảnh: Internet

Ngày 1/6, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổ chức hội nghị trực tuyến chia sẻ một số kinh nghiệm triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối đến 37 điểm cầu có dự án tuyến cao tốc cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước có trên 3.000 km đường cao tốc và năm 2030 có khoảng 5.000 km đường cao tốc. Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành, địa phương, việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cao tốc cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng đặt ra.

Trong đó, một trong những giải pháp rất quan trọng là việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương để quản lý đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc, từ đó phát huy nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, gắn với trách nhiệm trong triển khai. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã triển khai 11 dự án, đưa vào khai thác 6 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), 5 dự án còn lại trong đó 3 dự án phải hoàn thành trong năm 2023, 2 dự án hoàn thành trong năm 2024. Trong tháng 6/2023, nhiều dự án phân cấp cho địa phương sẽ tổ chức khởi công, xây dựng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, Đồng Nai - Vũng Tàu, Nha Trang - Buôn Ma Thuột, phía Bắc có tuyến Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km. Trong đó, có 166 km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản, gồm: Trung Lương - Mỹ Thuận 51 km (Tiền Giang), Vân Đồn - Móng Cái 90 km (Quảng Ninh), Cao Bồ - Mai Sơn 15 km (Ninh Bình), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km.

“Chỉ trong 3 năm hoàn thành bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc”, ông Tiến tính toán.

Để đạt được mục tiêu này, trong năm 2022, Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc, gồm: cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và Vành đai 4 Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý, khoảng 500 km giao cho các địa phương triển khai.

Ngoài ra, "Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó, địa phương thực hiện khoảng 400 km. Đồng thời, đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025, triển khai khoảng 900km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750km", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng thông tin.

Chuyên đề