Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN: Kỳ vọng “thổi làn gió mới”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là DN chưa được chủ động và vận hành như doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang huy động nguồn lực cho phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều DNNN mong mỏi được chủ động vận hành như một DNTN để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Đổi mới cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Thiếu sự chủ động, không gian phát triển bị thu hẹp

Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), thời gian qua, TKV gần như không có dự án đầu tư mới nào được khởi công. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy.

“Từ khi tôi lên Tổng giám đốc (năm 2011) đến nay, tôi kiểm điểm bản thân mình là chưa làm được dự án mới nào mà chủ yếu là hoàn chỉnh những dự án đã có”, ông Chuẩn cho biết. Ông Chuẩn cho rằng, nguyên nhân chính là cơ chế chính sách với DNNN đang bó lại, hệ thống pháp luật về DNNN, trong đó có pháp luật liên quan đến đầu tư chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong kinh tế thị trường; chưa thực sự trao quyền chủ động cho DNNN trong hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, DNNN mong mỏi có được sự chủ động như DNTN. Theo Vinatex, cùng một dự án như xây dựng nhà máy may, DNTN chỉ mất 6 - 8 tháng để đầu tư, đưa vào vận hành nhưng với doanh nghiệp có vốn nhà nước như Vinatex, việc xin ý kiến để phê duyệt được chủ trương đầu tư, thực hiện các quy trình, thủ tục triển khai sẽ kéo dài gấp đôi so với DNTN. Như vậy, khi dự án được DNNN đầu tư xong thì cơ hội thị trường lúc ấy có khi không còn.

Trong khi đó, ở những lĩnh vực kinh doanh mới, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông (VNPT) cho rằng, không gian phát triển mới đối với các DN viễn thông chính hiện nay là mảng công nghệ thông tin, chuyển số vì mảng viễn thông di động nay đã được DNNN bao phủ hết. Và để khai thác được thị trường mới này, DN viễn thông phải đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ.

Tuy nhiên, theo ông Thái, thực tế công tác triển khai giải ngân, sử dụng Quỹ khoa hoạc công nghệ tại các DNNN chưa nhiều, quy định pháp luật đối với việc sử dụng Quỹ khoa học công nghệ khó thực hiện. “Có DNNN viễn thông đóng góp vào Quỹ mấy trăm tỷ, thậm chí nghìn tỷ đồng nhưng để tiêu được thì vô cùng khó khăn”, ông Thái thông tin và cho rằng, khi DN không sử dụng được quỹ này thì sẽ không có được sản phẩm đổi mới sáng tạo, không phát triển dược công nghệ lõi...

“Cởi trói”, tạo luồng gió mới cho DNNN

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hiện nay, DNNN đều phải xin ý kiến các cấp cho phù hợp với quy hoạch, hoặc được cấp thẩm quyền xét duyệt... thì mới được triển khai dự án đầu tư sản xuất kinh doanh. Mỗi lần như vậy, sự chủ động của DNNN, trong đó có việc nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội từ thị trường gần như không đạt.

Vì vậy, ông Doanh cho rằng, trong bối cảnh huy động nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế hiện nay, việc đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động, linh hoạt và vận hành như các DNTN là rất cần thiết. Ngay như việc tuyển chọn lãnh đạo DNNN, ông Doanh cho rằng cần có sự đổi mới, không nhất thiết tuyển chọn theo quy hoạch mà có thể theo phương thức thi tuyển để chọn người tài.

“Chúng ta hy vọng DNNN là chủ đạo, xương sống, trụ cột của nền kinh tế nhưng chúng ta không trao cho DNNN quyền chủ động thì DNNN sẽ không phát triển được”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc CIEM chỉ ra, trong 10 năm trở lại đây, các nỗ lực triển khai, củng cố vị trí, vai trò của DNNN chưa được quan tâm đúng mức.

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế, chính sách cho DNNN, Dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện trình Chính phủ xem xét, ban hành. Theo đó, DNNN được chủ động, tự quyết trong điều hành sản xuất kinh doanh, nắm bắt các cơ hội của thị trường, giảm bớt việc can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN như hiện nay. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Chuyên đề