Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN: Cần cơ chế khơi thông nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy mô tài sản bình quân của 1 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khoảng 4.100 tỷ đồng, gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước. Tuy nhiên, đóng góp của khu vực DNNN còn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cần sớm đưa ra những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể “cởi trói” cho DNNN, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Cần xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia… Ảnh: Lê Tiên
Cần xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia… Ảnh: Lê Tiên

Chưa tạo được động lực bứt phá, lan tỏa

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN ngày 24/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kết quả hoạt động của khối DNNN trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng, còn nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả.

Trong những năm gần đây, DNNN không có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN Việt Nam. Tính riêng đối với 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Tập đoàn Viettel, nơi nắm giữ gần 90% nguồn lực của khu vực DNNN, chỉ triển khai thực hiện 3 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước và 1 dự án khởi công mới năm 2016 .

Các DNNN chưa đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, việc cơ cấu lại toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá… để từng bước đưa DN tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

Thừa nhận hạn chế này, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, hiện cơ chế chính sách đối với 3 ngành gắn với năng lượng là than, dầu khí, điện đã có nhưng chưa tạo được sức mạnh cho ngành năng lượng Việt Nam. Ông Bùi Đức Kiên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho biết, là đơn vị lắp máy lớn nhưng thời gian qua doanh thu của Lilama suy giảm. Sau tái cấu trúc DN gặp nhiều khó khăn. Theo ông Kiên, cách đây 5-10 năm, Lilama phát triển tốt, nhưng bây giờ khác.

Nguyên nhân của những hạn chế này được các DNNN chỉ ra là hệ thống pháp luật về DNNN vẫn còn nhiều bất cập; các quy định pháp luật liên quan về quản trị DN, quản lý vốn và tài sản, đất đai… chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đầu tư kinh doanh và quản trị điều hành DNNN trong kinh tế thị trường; chưa thực sự trao quyền chủ động cho DNNN trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý DNNN chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho người quản lý, lao động tại DNNN…

Cần cơ chế để doanh nghiệp nhà nước chủ động, tự quyết

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các địa phương và của DNNN. Thủ tướng cho rằng, cần nhận diện những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, những vướng mắc, hạn chế trong chính DN để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội.

Để phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số giải pháp. Theo Bộ trưởng, cần nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quyền của chủ sở hữu, vừa tạo điều kiện cho DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong các ngành kinh tế chủ lực, có đầy đủ quyền tự chủ, được hoạt động và cạnh tranh bình đẳng với các DN khác. Bên cạnh đó, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…

Lo ngại năng lực cạnh tranh của DNNN sẽ bị hạn chế, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc mong muốn cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Theo bà Tâm, một trong những lý do thời gian qua, Tổng công ty rất ít đầu tư, bởi một phần liên quan đến những bất cập trong thủ tục về đất đai, đầu tư...

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam… kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó có cơ chế để DNNN chủ động tự quyết trong điều hành sản xuất, kinh doanh; cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý trên cơ sở các mục tiêu giao cho DN, tạo điều kiện tối đa cho DN nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Chuyên đề