Năm 2019, tỷ lệ phát hành trái phiếu thành công của doanh nghiệp bất động sản đạt 88,1% (Ảnh: Internet) |
Tiềm năng thu hút vốn
Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2019 đã có hơn 210 DN phát hành trái phiếu, với tổng giá trị phát hành gần 297.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2018. Trong đó, DN BĐS phát hành 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38% tổng phát hành toàn thị trường. Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm; lãi suất bình quân 10,3%/năm.
Tỷ lệ phát hành trái phiếu thành công đạt 88,1% của DN BĐS đã mở ra một cánh cửa đầy tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư. Đáng chú ý, trong năm 2019, tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu BĐS là cá nhân chiếm tới 10,7%, và tiếp tục có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tổng giá trị phát hành TPDN trong tháng 1/2020 là 13.374 tỷ đồng, trong đó, DN BĐS phát hành 7.364 tỷ đồng với tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 17,6%.
Đánh giá thị trường TPDN BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, việc có đến 84,2% số DN phát hành trái phiếu có tổng giá trị dưới ba lần vốn chủ sở hữu, bảo đảm được yếu tố an toàn và hợp lý, là một tín hiệu đáng mừng. Qua đó, các DN BĐS được bổ sung nguồn vốn đầu tư với cơ chế mềm hơn, so với việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được vay tín dụng ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng thương mại được giảm bớt áp lực, gánh nặng trong cung ứng tín dụng trung, dài hạn cho các DN BĐS, giảm thiểu rủi ro.
Cũng theo ông Châu, việc một số DN BĐS có lãi suất trái phiếu lên đến 12 - 14%/năm, cá biệt có DN đưa ra mức lãi suất 20%/năm là khá mạo hiểm. Ngoài ra, một số DN chưa bảo đảm yếu tố minh bạch, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, không làm rõ mục đích sử dụng vốn trái phiếu và phương án trả nợ gốc, trả lãi, sẽ tạo ra những rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân.
Một số hạn chế, bất cập cần sửa đổi
Mới đây, HoREA đã có Công văn số 18 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính góp ý Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN. Theo lập luận của HoREA, Nghị định 163 có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2019, có độ mở cao, đã tạo điều kiện cho thị trường TPDN phát triển mạnh trong năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong năm 2020; song vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được kịp thời điều chỉnh.
Cụ thể, Khoản 1.h Điều 10 của Dự thảo quy định: “Đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành không vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. HoREA cho rằng, hiện nay chưa cần thiết quy định như trên, vì qua kết quả phát hành trái phiếu của 177 DN trong 11 tháng năm 2019, có đến 149 DN (chiếm 84,2%) có giá trị phát hành trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu; chỉ có 28 DN (chiếm 15,8%) có giá trị phát hành trái phiếu trên 3 lần vốn chủ sở hữu. Bởi lẽ, tổng giá trị phát hành trái phiếu phụ thuộc vào nhu cầu vốn của từng loại hình DN. Đơn cử, DN nhỏ và vừa với vốn điều lệ thấp, hoặc DN phát hành trái phiếu để trả nợ… thì có nhu cầu phát hành trái phiếu cao hơn mức 3 lần vốn chủ sở hữu.
Đối với Khoản 1.i Điều 10 của Dự thảo quy định: “Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu sáu tháng. Trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản”. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nên cho phép DN được phát hành trái phiếu tối đa 4 đợt trong 1 năm, vì các DN lớn thường có nhiều dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn trái phiếu; không cần thiết quy định khoảng cách thời gian tối thiểu 6 tháng giữa 2 đợt phát hành TPDN trong năm.
Khi xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP, HoREA đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường TPDN BĐS ở thời điểm hiện tại. Hiệp hội cho rằng, chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu; thẩm định, đánh giá tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu; trách nhiệm giải trình của DN phát hành trái phiếu; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.