Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM cần hơn 155 nghìn tỷ đồng cho 55 dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: Hoàng Hải |
TP.HCM vừa ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020. Đây là việc cần thiết trong bối cảnh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông tại TP.HCM đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, là trở lực đối với sự phát triển của Thành phố về mọi mặt.
Cụ thể, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ, cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi đô thị TP.HCM bị nén với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
“Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân đầu tư công tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020, Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27/8/2020 về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị giao ban trực tuyến nhằm đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2020”, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết.
Ngoài ra, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Chương trình cũng tập trung rà soát, xác định rõ các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong từng khâu của quá trình thực hiện dự án để từ đó thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân năm 2020 từ 95% trở lên.
Bài toán thúc giải ngân đầu tư công vốn hóc búa và TP.HCM đang nỗ lực tìm phương án hóa giải. Thực tế, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông không ngừng tăng lên theo thời gian. Trong bối cảnh này, Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư 55 dự án về hạ tầng giao thông ngay trong năm 2021, trình HĐND TP.HCM thông qua. Tổng mức đầu tư cho 55 dự án này lên tới hơn 155 nghìn tỷ đồng.
Đối với các dự án này (thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025), Sở GTVT TP.HCM đề xuất cân đối từ ngân sách TP.HCM khoảng 81.750 tỷ đồng và 68.613 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hút qua phương thức PPP và nguồn khác; trước mắt trong năm 2021 cần 32.878 tỷ đồng.
Trong 55 dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư, đặc biệt có tuyến đường trên cao số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km và tuyến trên cao số 5 (từ Trạm 2 đi theo Quốc lộ 1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 32.900 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các dự án khép kín đường vành đai 2, cầu đường Nguyễn Khoái (nối Quận 1 và Quận 4), cải tạo mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh), đường Lê Văn Khương (Quận 12), nút giao An Phú (Quận 2), đường song hành Phan Văn Hớn, song hành Quốc lộ 50, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cải tạo mở rộng các trục giao thông hướng tâm gồm Quốc lộ 13 (kết nối với Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên), Quốc lộ 22 (kết nối với Tây Ninh, Campuchia), Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50 (kết nối với các tỉnh miền Tây Nam Bộ)… Đây đều là những dự án huyết mạch, có tính kết nối khu vực cao và giảm tải rất lớn cho lõi đô thị hiện hữu của TP.HCM.
“Do việc triển khai các dự án BT trên địa bàn đã hoàn toàn dừng, dẫn tới thiếu hụt nguồn lực huy động vào hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, việc ban hành Luật PPP, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật sẽ giúp TP.HCM phát huy tối đa kênh huy động vốn từ khu vực tư nhân”, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM chia sẻ.