Chỉnh trang hợp lý các con hẻm được cho là một trong những giải pháp thay đổi bộ mặt đô thị TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên |
Làm nhà trên đường hẻm
Theo đề xuất của TS. Nguyễn Minh Hòa, Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Thành phố hoàn toàn có thể nghiên cứu cho phép thí điểm làm nhà trên đường hẻm, bên dưới là đường đi. Một số hẻm rộng được đổ sàn qua hẻm, tận dụng sàn này làm nhà ở trên mặt đường. Các sàn này không kéo dài liên tục mà cách quãng xa để thông khí, lấy ánh sáng trời.
“Cách thức này đã có ở một số hẻm của Quận 3, quận Phú Nhuận trên đường Lê Văn Sĩ và nhìn ra nước ngoài có thể thấy ở Bangkok, Manila. Loại hình này có lợi ích là tiết kiệm được đất, cùng một diện tích vừa làm được nhà ở và vừa làm đường, nhưng cần tính toán thận trọng để không lạm dụng và chỉ làm ở những nơi mật độ dân số quá cao mà đất thì lại quá ít”, ông Hòa lưu ý.
Thêm vào đó, TP.HCM cũng cần khuyến khích và có cơ chế thưởng hệ số sử dụng đất, tức nâng thêm số tầng cho các chủ đầu tư ở khu vực trung tâm chấp nhận đưa 1/3 hay 1/2 mặt bằng tầng trệt tham gia vào giao thông bộ hành và giao thông cơ giới. Thực tế cho thấy, ở các thành phố lớn của châu Á như Bangkok, Kuala Lumpur, Philippines đã làm việc này từ cách nay hơn 20 năm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Công ty Bất động sản Thành Phương cho rằng, ngoài khoảng lùi bắt buộc theo quy chuẩn ra, thì các cao ốc văn phòng, khách sạn nên hy sinh một phần diện tích đưa vào tham gia giao thông công cộng bộ hành. Nếu các công sở, nhà hàng, khách sạn ở trung tâm Thành phố dành một phần diện tích tham gia công ích thì sẽ có được một bộ mặt thông thoáng, đẹp hơn bây giờ.
Chỉ thu hẹp tầng trệt về hai phía hẻm khi xây mới
Cho rằng các quy định liên quan đến lộ giới hẻm còn quá cứng nhắc, TS. Nguyễn Minh Hòa đề xuất, đã đến lúc TP.HCM cần phải thay đổi quan điểm về vấn đề này. Bởi mục tiêu của việc cải tạo, nâng cấp hẻm là làm sao phải tạo ra tầm nhìn thông thoáng, nhà ở khang trang hơn. Nhưng oái ăm thay, từ trước năm 2000 đến nay, trước mỗi con hẻm luôn đóng một cái bảng quy định lộ giới buộc người dân phải tuân theo khi xây nhà mới. Chính cái bảng quy định này đã giết chết tất cả các cố gắng mở hẻm, cải tạo nhà của gia chủ.
Đặc điểm của hẻm ở TP.HCM là những nhà hình ống nằm sát nhau, chạy dài theo đường hẻm ngoằn ngoèo, quanh co. Các con hẻm này rất nhỏ, thường là dưới 4 m, thậm chí có hẻm chỉ có thể đủ cho hai người di chuyển ngược chiều nhau. Hiện trạng này phổ biến nhất là ở Quận 5, Quận 10 và Quận 11. Có những con hẻm kéo dài nhiều cây số, nhà ở hẻm thò ra thụt vào, nhấp nhô, không theo một thể thức nào.
Vì vậy, ông Hòa đề xuất, nếu Thành phố thay đổi quyết định, cho phép người dân khi xây mới chỉ thu hẹp tầng trệt về hai phía hẻm đảm bảo đủ để xe cứu hỏa, cứu thương di chuyển khi có sự cố, còn từ tầng một trở lên được giữ nguyên, có thể nâng cao độ tĩnh không lên đến 5 m, và gia chủ được nâng thêm tầng cao hơn số tầng hiện hữu, trừ những nơi có quy định đặc biệt, thì họ sẽ hồ hởi bỏ tiền ra làm mới không gian để ở. Như thế sẽ tạo ra được bộ mặt hẻm khang trang hơn, hệ thống giao thông hẻm thông thoáng hơn, dĩ nhiên sẽ hỗ trợ tốt hơn cho giao thông rất nhiều.
Bình luận về những giải pháp trên, qua trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư bất động sản cho biết, các cách làm ấy là hoàn toàn khả thi, có lợi cho cả Thành phố lẫn người dân. Phương thức này cũng là một cứu cánh, giúp xóa đi nạn quy hoạch treo khiến cho nhiều người dân khổ sở. Tuy nhiên, để đi đến quyết định là cả một câu chuyện dài vì có liên quan đến nhiều yếu tố pháp lý. Cách thức chỉnh trang hẻm như thế này đã được áp dụng thành công ở nhiều thành phố của châu Á như Penang, Metro Manila, Kuala Lumpur, Bangkok, nên TP.HCM hoàn toàn có thể vận dụng.