Báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM cho thấy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án trên địa bàn Thành phố còn chậm, kéo dài. Ảnh: Lê Tiên |
Xin trả dự án
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về việc TP.HCM không muốn tiếp tục thực hiện Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 437 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là vốn vay từ WB.
Theo đó, lý do được TP.HCM đưa ra cho việc xin dừng Dự án là có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường GPMB giữa WB và pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là cách xác định giá trị bồi thường cho từng loại đất. Nếu triển khai Dự án, khi thực hiện chính sách bồi thường theo quy định của WB, TP.HCM quan ngại sẽ tạo ra sự so sánh giữa hơn 2.000 trường hợp bị ảnh hưởng của Dự án trong giai đoạn 1 thời điểm tháng 3/2014.
Theo UBND TP.HCM, điều này dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại không chỉ giữa các hộ dân trong Dự án giai đoạn 1 với giai đoạn sắp triển khai, mà còn đối với tất cả các dự án khác đang triển khai trên địa bàn TP.HCM.
Trước đó, trong tháng 7/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã yêu cầu Hội đồng Thẩm định bồi thường Thành phố và Trung tâm Chống ngập TP.HCM sớm có ý kiến về nguyên nhân dẫn đến việc WB dừng tài trợ 400 triệu USD cho Dự án Quản lý rủi ro ngập nước. Trong buổi làm việc với Lãnh đạo UBND TP.HCM, Giám đốc WB tại Việt Nam đã có bước thống nhất về việc tiến hành các thủ tục để kết thúc dự án này.
Thông tin từ đại diện Chủ đầu tư Dự án cho biết, cả WB và TP.HCM đều đồng thuận với việc dừng Dự án vì tình trạng khiếu kiện về chính sách bồi thường GPMB của người dân liên quan đến Dự án rất phức tạp. Việc tồn tại hai khung chính sách về bồi thường GPMB của WB và của TP.HCM khác nhau nên không thể thống nhất để giải quyết vụ việc, tất yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai Dự án.
Khó khăn về vốn, về người
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, GPMB từ lâu đã trở thành rào cản rất lớn khi triển khai các dự án hạ tầng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Không thể GPMB đúng kế hoạch đề ra dẫn tới tình trạng chủ đầu tư không chủ động được thời gian để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Vướng mắc trong công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật là do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Sở Giao thông vận tải cho biết, các thủ tục về bồi thường được triển khai chậm (đơn giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng chậm được phê duyệt, tình trạng khiếu kiện kéo dài do giá bồi thường nhà đất chưa phù hợp, không theo kịp với biến động trên thị trường; nguồn vốn triển khai công tác đền bù GPMB bị hạn chế...). Bên cạnh đó, quỹ nhà tái định cư của Thành phố chưa đáp ứng đủ số hộ dân bị ảnh hưởng thuộc diện bố trí tái định cư. Có thể điểm tên một loạt dự án quy mô đã và đang ách tắc bởi công tác bồi thường GPMB như đường Phạm Văn Đồng, các tuyến metro, dự án môi trường đô thị, quản lý rủi ro ngập nước…
Báo cáo mới nhất của UBND TP.HCM cho thấy, công tác bồi thường, GPMB của các đơn vị chủ đầu tư trên địa bàn Thành phố còn chậm, kéo dài, đôi khi chưa nhận được sự đồng thuận của người dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thẳng thắn nhìn nhận, công tác GPMB có nhiều tồn tại đang trực tiếp kéo tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM chậm lại rất nhiều. “Trong công tác GPMB, đặc biệt là xác định đơn giá bồi thường, chất lượng đội ngũ nhân lực thẩm định giá là quan trọng bậc nhất. Đây lại là vấn đề mà chúng ta còn rất nhiều tồn tại, từ chất lượng cũng như số lượng đội ngũ thẩm định giá đất đều chưa đáp ứng được yêu cầu công việc”, ông Phong khẳng định.
Để tăng cường các giải pháp thúc đẩy công tác GPMB đáp ứng tiến độ các dự án, TP.HCM vừa yêu cầu rà soát lại toàn bộ nhân sự của Hội đồng Thẩm định giá để củng cố, bổ sung, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực. Theo đó, Sở Nội vụ sẽ có nhiệm vụ lập đề án phát triển nguồn nhân lực thẩm định giá đất, giúp đẩy nhanh quá trình xác định, thống nhất đơn giá bồi thường trên toàn Thành phố.