Tiến triển mới tại mỏ đất hiếm Đông Pao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nhiều năm “đắp chiếu”, Tổng công ty Khoáng sản TKV (VIMICO) - công ty mẹ của Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO (Lavreco - chủ sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao lớn nhất cả nước) dự kiến đến cuối năm 2026 sẽ sản xuất tinh quặng đất hiếm và các sản phẩm đi kèm như fluorit, barit từ mỏ đất hiếm Đông Pao. Đây là nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn nên nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Cường
Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Hoàng Cường

Nhiều đối tác quan tâm mỏ đất hiếm Đông Pao

Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.

Báo cáo mới đây của VIMICO cho biết, sau nhiều năm gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác chế biến đất hiếm tại mỏ đất hiếm Đông Pao, hiện nay, có một số đối tác đề nghị được thử nghiệm công nghệ chế biến đất hiếm từ quặng nguyên khai của mỏ, có đối tác đề nghị được mua nguyên liệu tinh quặng đất hiếm để chế biến ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có đối tác muốn hợp tác từ khâu khai thác, tuyển khoáng.

Trước đó, vào tháng 12/2014, Lavreco cùng đối tác Nhật Bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác mỏ đất hiếm nêu trên, nhưng sau đó đối tác này dừng hợp tác khiến Công ty không có công nghệ chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo kế hoạch đề ra mới đây, Lavreco sẽ tự đầu tư phần khai thác và tuyển khoáng bằng vốn tự có để làm ra sản phẩm tinh quặng đất hiếm với khối lượng khoảng 80.000 - 90.000 tấn/năm, hàm lượng > 30% tổng oxit đất hiếm. Các sản phẩm đi kèm như tinh quặng barit khoảng 100.000 - 160.000 tấn/năm hàm lượng ≥ 80%, tinh quặng fluorit khoảng 200.000 - 250.000 tấn/năm hàm lượng ≥ 70%. Từ sản phẩm tinh quặng đất hiếm này, Lavreco thực hiện hợp tác chế biến với các đối tác hoặc xin cơ chế đặc thù để xuất khẩu. Các sản phẩm đi kèm sẽ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Để phù hợp với thị trường, Lavreco sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tuyển khoáng theo các mô đun, dự kiến đến cuối năm 2026 sẽ sản xuất ra tinh quặng đất hiếm và các sản phẩm đi kèm như fluorit, barit.

Trong cơ cấu cổ đông của Lavreco, ngoài VIMIKO, các doanh nghiệp còn lại đều thuộc sở hữu tư nhân

Trong cơ cấu cổ đông của Lavreco, ngoài VIMIKO, các doanh nghiệp còn lại đều thuộc sở hữu tư nhân

Những “tay chơi” tại Lavreco

Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 350 tỷ đồng, hiện do VIMICO sở hữu 55%, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải sở hữu 20%, cá nhân Lê Văn Tuấn sở hữu 17% (nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Thái Sơn), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương nắm giữ 8%. Theo dữ liệu của phóng viên Báo Đấu thầu, ngoài VIMICO là công ty con do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sở hữu 98,06%, các doanh nghiệp còn lại đều thuộc sở hữu của tư nhân.

Về Xây dựng Hưng Hải, công ty này được thành lập vào tháng 4/2003, do ông Trần Đình Hải nắm giữ cổ phần chi phối trong nhiều năm. Tháng 9/2023, vị doanh nhân này giảm tỷ lệ sở hữu tại Xây dựng Hưng Hải xuống còn 25% vốn điều lệ. Nắm cổ phần chi phối tại Xây dựng Hưng Hải là Công ty CP Big Energy với tỷ lệ sở hữu 55% vốn điều lệ. Công ty CP Big Energy được thành lập vào tháng 8/2022, có nhiều mối liên hệ với Tập đoàn Bitexco của doanh nhân Vũ Quang Hội.

Tập đoàn Đầu tư Việt Phương là doanh nghiệp hoạt động đa ngành: bất động sản, năng lượng, khoáng sản, tài chính - ngân hàng gắn liền với cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á Phương Hữu Việt. Hiện Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 12,21% cổ phần Ngân hàng Việt Á.

Trước hiện trạng của mỏ đất hiếm Đông Pao, trong thời gian tới, VIMICO đề xuất tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại Lavreco. Đồng thời yêu cầu người đại diện phần vốn góp của VIMICO tại Lavreco xây dựng phương án để báo cáo các cấp thẩm quyền cho phép Công ty thực hiện một số công việc phù hợp với các nguồn lực hiện có nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu từ vốn góp của các cổ đông cho đến khi có nguồn thu từ sản phẩm đất hiếm; cùng các cổ đông xem xét tăng vốn điều lệ ở mức hợp lý để điều chỉnh, triển khai dự án khai thác, tuyển khoáng, làm ra tinh quặng đất hiếm bằng vốn tự có.

Chuyên đề