Quản lý mỏ đất hiếm Đông Pao: Cổ đông lớn thứ hai sau VIMICO là ai?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ trong thời gian từ 8 - 19/9, giá cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP (VIMICO) đã tăng tới 49,5%. Không phải kết quả kinh doanh, động lực tăng giá của KSV đến từ kỳ vọng sở hữu mỏ đất hiếm Đông Pao lớn nhất cả nước - nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn. Được biết, đồng hành cùng VIMICO tại mỏ đất hiếm Đông Pao là Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải, một doanh nghiệp rất tích cực đầu tư lĩnh vực này.
Không chỉ nắm giữ cổ phần tại Đất hiếm Lai Châu - VIMICO, Xây dựng Hưng Hải còn tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp đất hiếm khác trên cả nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Huyền My
Không chỉ nắm giữ cổ phần tại Đất hiếm Lai Châu - VIMICO, Xây dựng Hưng Hải còn tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp đất hiếm khác trên cả nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Huyền My

Sở hữu 20% cổ phần Đất hiếm Lai Châu - VIMICO

Tham vọng đất hiếm của Xây dựng Hưng Hải được hình thành từ năm 2007 khi cùng VIMICO thành lập Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO. Đây là doanh nghiệp được Chính phủ giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao, Lai Châu để triển khai các thủ tục xin cấp phép mỏ theo quy định và xây dựng tổ hợp khai thác, chế biến đất hiếm.

Mỏ quặng đất hiếm Đông Pao được đánh giá lớn nhất Việt Nam thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có diện tích gần 133 ha, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở vùng Nậm Xe, Mường Hum và Yên Bái.

Dù Công ty Đất hiếm Lai Châu - VIMICO cùng đối tác Nhật Bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác vào tháng 12/2014, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác do đối tác Nhật Bản dừng hợp tác khiến Công ty không có công nghệ chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO hiện thuộc sự chi phối của VIMICO với tỷ lệ sở hữu 55% vốn điều lệ, còn Xây dựng Hưng Hải là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ 20%. Trong đó, VIMICO là doanh nghiệp do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nắm giữ 96,91% vốn điều lệ; Xây dựng Hưng Hải là doanh nghiệp tư nhân.

Đầu tư hàng loạt doanh nghiệp đất hiếm

Không chỉ gói gọn tại Đất hiếm Lai Châu - VIMICO, Xây dựng Hưng Hải còn được UBND tỉnh Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư cho Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (huyện Phong Thổ). Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe có tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa trên 7,5 triệu tấn đất hiếm. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 triệu tấn. Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn.

Bên cạnh đó, Xây dựng Hưng Hải cũng tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đất hiếm trên cả nước, trong đó có Công ty CP Đất hiếm Việt Nhật (hoạt động tại phường Cốc Lếu, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2017, do Xây dựng Hưng Hải nắm giữ 10%. Cổ đông lớn nhất của Đất hiếm Việt Nhật là ông Nguyễn Thế Lực (31%) và ông Lưu Anh Tuấn (19%).

Ông Tuấn được biết đến là Giám đốc Công ty CP Đất hiếm Việt Nam (VTRE) - chủ sở hữu và vận hành nhà máy chuyên tách đất hiếm tại Hà Nam. Vào cuối tháng 7/2023, VTRE đã ký biên bản ghi nhớ khai thác và sản xuất đất hiếm với 2 doanh nghiệp hàng đầu của Úc trong lĩnh vực khai khoáng là Australian Strategic Materials Ltd. (ASM) và Blackstone Minerals Ltd. (Blackstone). Được biết, VTRE cùng đối tác Blackstone cũng đang có kế hoạch đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.

Trước đó, vào cuối năm 2022, VTRE đã ký kết hợp tác khai thác, xuất khẩu đất hiếm với Công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. VTRE sẽ khai thác mỏ đất hiếm Yên Phú ở Yên Bái (Công ty CP Tập đoàn Thái Dương chủ mỏ), chế biến và dự kiến mỗi năm xuất khẩu 1.000 - 2.000 tấn sang Hàn Quốc.

Quay trở lại với Xây dựng Hưng Hải, vào tháng 9/2018, doanh nghiệp này và ông Lưu Anh Tuấn cùng tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đất hiếm Tây Bắc (hoạt động tại phường Đông Phong, Lai Châu), với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 55% và 10%.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đất hiếm Tây Bắc cho biết, Công ty được thành lập để xin chủ trương đầu tư nhà máy chế biến sâu đất hiếm. Tuy nhiên, sau nhiều năm không được Tỉnh cấp chủ trương, Công ty đã phải đóng cửa.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Đối với khoáng sản đất hiếm, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp (sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO từ 95% trở lên, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO)...).

Chuyên đề