Người có thẩm quyền có trách nhiệm điều chỉnh nhiệm vụ và thẩm quyền của chủ đầu tư trong trường hợp không đáp ứng quy định của pháp luật về đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Làm khó nhà thầu có chủ ý
Quá trình tìm hiểu, làm rõ nội dung phản ánh của các nhà thầu đã cho thấy, việc bên mời thầu làm khó, “hành” các nhà thầu từ khâu tiếp cận và mua hồ sơ mời thầu (HSMT) cho đến việc cài cắm các tiêu chí riêng trong HSMT, kiểu “đo ni đóng giầy” cho nhà thầu “ruột” đang là một thực trạng hiện nay.
Mặc dù pháp luật về đấu thầu quy định: “Trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng” (Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, nhiều bên mời thầu hiện đang cố tình “băm nhỏ các tiêu chí” hoặc thêm tiêu chí để cài cắm trong HSMT làm sao để chỉ có 1 nhà thầu mà Bên mời thầu đã ngầm chọn là đáp ứng được yêu cầu. Đại diện Tổng công ty Xây dựng đường thủy than phiền: “Nhiều công trình dù chưa đấu thầu nhưng chỉ nhìn vào HSMT thì đã biết là chọn ai, dành cho nhà thầu nào rồi”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Giám đốc một doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết, HSMT của một gói thầu xây lắp ở Cần Thơ đã “băm nhỏ” các tiêu chí riêng, tiêu chí thêm, rồi cài cắm vào HSMT như khi đưa ra yêu cầu công trình tương tự thì đòi hỏi phải tương tự về địa hình, địa chất thủy văn, địa bàn (nghĩa là chỉ có nhà thầu ở Cần Thơ, thậm chí là một vùng nào đó của tỉnh Cần Thơ thì mới đáp ứng được). Trong HSMT này còn đưa ra cả phương án “bẫy” nhà thầu là yêu cầu nhà thầu đề xuất một sáng kiến khác với sáng kiến được nêu trong HSMT… Vị Giám đốc này cho rằng, với cái kiểu “băm nhỏ và cài cắm tiêu chí trong HSMT” như ở gói thầu này thì một nhà thầu chân chính, dù có giỏi đến mấy cũng không thể nào đáp ứng được.
Một chuyên gia đấu thầu trong cuộc trò chuyện với phóng viên từng nhận xét: “Ở Việt Nam, nhiều gói thầu do đã ngầm chọn nhà thầu trước khi đấu thầu nên trong quá trình đấu thầu, bên mời thầu chỉ chăm chăm tìm cách loại các nhà thầu không được ngầm chọn”.
Có chế tài nhưng xử lý không nghiêm
Chính thái độ chần chừ, nể nang, không nghiêm của cấp có thẩm quyền khi xử lý các hành vi vi phạm của chủ đầu tư/bên mời thầu đã tạo cơ hội cho việc “nhờn luật” của bên mời thầu/chủ đầu tư.
Thực tế phản ánh nhiều câu chuyện, quá trình đấu thầu cũng cho thấy, nhiều bên mời thầu sau khi cài cắm các tiêu chí trong HSMT, bị nhà thầu phản ánh, kiến nghị sửa HSMT nhưng bên mời thầu cố tình “chây ì” không chịu chỉnh sửa với lý do là “nhận được kiến nghị của nhà thầu muộn”… Trong quá trình phát hành HSMT thì “hành” nhà thầu đi lại nhiều lần, nhiều ngày mới chịu bán HSMT với đủ các lý do: người trực bán HSMT có việc đột xuất, chưa phô tô kịp HSMT để bán… Và sự việc sau khi bị Báo Đấu thầu phản ánh, chất vấn thì việc bán HSMT mới thông suốt trở lại…, song nhiều bên mời thầu cũng không bị cấp có thẩm quyền “tuýt còi”, xử lý nghiêm để làm gương nên vẫn “chứng nào tật nấy” khi phát hành HSMT các gói thầu tiếp theo và những bên mời thầu khác cũng nhìn vào đó để “theo gương”.
Ông Lê Văn Tăng cho rằng, để công tác đấu thầu được công bằng, minh bạch và đem lại hiệu quả kinh tế cho xã hội thì đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, cơ quan liên quan, bởi vì “cuộc chiến này rất cam go”, giữa cấp có thẩm quyền và chủ đầu tư/bên mời thầu thường có sự nể nang, quen biết nên nhiều việc bị xí xóa, khen thì dễ nhưng chê và phải xử lý thì rất khó khăn. Ở những sự việc như thế này, tiếng nói của công luận, báo chí là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm đặt lên vai các cơ quan, đơn vị liên quan áp lực phải xử lý, giải quyết sự việc, gắn thẩm quyền với trách nhiệm công việc của họ, có như vậy, công tác đấu thầu mới dần đi vào nề nếp, đảm bảo được những mục tiêu và giá trị cốt lõi của nó.