Thuốc chặn căn bệnh “kê toa” cao cho mua sắm hàng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc nhập nhèm khi đưa ra các tiêu chí đánh giá đối với nhà sản xuất trong mua sắm hàng hóa của nhiều bên mời thầu đã và đang khiến công tác lựa chọn nhà thầu vấp nhiều kiến nghị phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu thầu.
Gói thầu Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang HSMT yêu cầu nhà thầu “phải có nhà xưởng, có giấy phép hoạt động xưởng may. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang HSMT yêu cầu nhà thầu “phải có nhà xưởng, có giấy phép hoạt động xưởng may. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tình trạng phổ biến mà Báo Đấu thầu phản ánh trong thời gian qua là hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng nhưng các tiêu chí không dừng lại ở việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, mà nhắm đến… một nhà máy bề thế.

Đơn cử như Gói thầu số 01 Đồng phục y tế và khẩu trang kháng khuẩn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang trị giá hơn 6 tỷ đồng. HSMT yêu cầu nhà thầu “phải có nhà xưởng (sở hữu hoặc thuê), có giấy phép hoạt động xưởng may (yêu cầu nhà thầu phải đính kèm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà xưởng của nhà thầu hoặc bên cho thuê). Đồng thời, HSMT yêu cầu nhà thầu phải chứng minh khả năng huy động thiết bị chủ yếu để thực hiện Gói thầu. Trong đó, phần đồng phục y tế cần 15 máy may 1 kim, 5 máy 2 kim, 2 máy khuy, 2 máy đóng nút, 5 máy vắt sổ…, tổng cộng tới 48 thiết bị. Tiếp theo, HSMT còn yêu cầu nhà thầu phải có giấy chứng nhận quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và giấy chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 còn hiệu lực. Về nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu có ít nhất 45 công nhân.

Tại Đồng Nai, Gói thầu Thực hiện mua sắm trang phục kiểm lâm các năm 2020, 2021 cho Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đưa ra nhiều yêu cầu quá cao về nhân sự chủ chốt đối với việc cung cấp một mặt hàng không đặc thù, đã được tiêu chuẩn hóa như: trình độ đại học trở lên chuyên ngành công nghệ may hoặc thiết kế thời trang, có thẻ an toàn lao động hoặc giấy chứng nhận an toàn vệ sinh lao động; đồng thời yêu cầu số lượng 20 công nhân kỹ thuật có chứng chỉ đào tạo về lĩnh vực may.

Năm 2021, Gói thầu Mua sắm máy vi tính xách tay và tivi các loại theo phương thức tập trung trị giá hơn 22,191 tỷ đồng do Trung tâm Mua tài sản công tỉnh Bình Thuận mời thầu đã khiến nhiều nhà thầu bất bình vì các tiêu chí oái oăm. Đặc biệt, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có đại lý hoặc đại diện tại TP. Phan Thiết có giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27001:2013 chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc tin học. Đây vốn dĩ là chứng nhận chỉ được cấp cho các đơn vị chuyên cung cấp phần mềm công nghệ thông tin…

Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) khi mua sắm thiết bị phục vụ dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 7 đã yêu cầu hàng loạt chứng nhận ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, là các chứng nhận dành cho doanh nghiệp sản xuất, không phải tiêu chuẩn của hàng hóa.

Tình trạng lạm dụng tiêu chí quá cao khi mua sắm hàng hóa dẫn tới hệ quả chỉ nhà sản xuất hoặc nhà thầu có sự chuẩn bị từ trước mới có thể dự thầu. Theo các nhà thầu, việc cố tình đưa ra các tiêu chí đánh giá đối với nhà sản xuất khi mua sắm hàng hóa đang cản trở sự tham gia của các nhà thầu thương mại. Đây là hành vi cần phải ngăn chặn, trả lại môi trường cạnh tranh cho công tác đấu thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hàng hóa thông dụng đang được điều chỉnh bởi những quy định rất thông thoáng, cởi mở trong hệ thống chính sách đấu thầu. “Luật Đấu thầu, văn bản dưới Luật, đặc biệt là các chỉ thị về chấn chỉnh hoạt động đấu thầu đều nghiêm cấm các hành vi cản trở như yêu cầu giấy phép bán hàng, yêu cầu hợp đồng tương tự tại một địa phương nhất định…, giúp gia tăng cơ hội cung cấp hàng hóa cho mọi nhà thầu. Nhầm lẫn giữa lựa chọn nhà thầu và nhà sản xuất trong lĩnh vực này là đi ngược lại tinh thần của Luật”, chuyên gia này nhận định.

Đại diện thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cho biết, nhiều nội dung của Luật được bổ sung, sửa đổi sắp tới sẽ giúp minh định việc đánh giá các gói thầu mua sắm hàng hóa.

“Việc cung cấp hàng hóa thông dụng sắp tới sẽ gần như không cần yêu cầu nhân sự chủ chốt - một rào cản nặng nề đối với các nhà thầu hiện nay. Thay vào đó, nhà thầu sẽ được giao quyền chủ động cung cấp nhân sự phù hợp để hoàn thiện khâu bàn giao, lắp đặt, chạy thử, bảo trì, bảo hành…

Bên cạnh đó, nội dung hoàn thiện các quy định về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất trong nước sẽ giúp phân loại rõ hơn 2 đối tượng: nhà thầu thương mại và nhà sản xuất. Theo đó, nhà thầu là nhà sản xuất, khởi nghiệp đối với nhà sản xuất sẽ không yêu cầu về hợp đồng tương tự mà chỉ cần chứng minh năng suất/công suất tương ứng”, đại diện Ban soạn thảo chia sẻ.

Chuyên đề