Thúc đẩy tăng trưởng 2023: Nguồn lực lớn tồn đọng ở chính những điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng GDP khoảng 6,5%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc tìm kiếm, khơi thông tối đa các động lực, nguồn lực cho tăng trưởng là rất cần thiết. Trước mắt, cần sớm gỡ bỏ những rào cản, vướng mắc để giải phóng nguồn lực to lớn đang bị ứ đọng tại các dự án, cũng như tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Giải quyết điểm nghẽn giải ngân đầu tư công sẽ góp phần đưa một lượng vốn lớn vào nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Ảnh: Lê Tiên
Giải quyết điểm nghẽn giải ngân đầu tư công sẽ góp phần đưa một lượng vốn lớn vào nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội 2022 và kế hoạch năm 2023 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội và Quốc hội thảo luận tại tổ. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao những kết quả đạt được trong 9 tháng và ước cả năm 2022 trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, không thể hài lòng và không nên chủ quan, vì một trong những nguyên nhân có được tăng trưởng cao năm nay là do nền tăng trưởng của năm trước rất thấp. Thực tế, giá trị tuyệt đối, quy mô nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng đang còn nhiều hạn chế. Tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố vốn và lao động, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Với nền tăng trưởng cao của năm 2022 và bối cảnh năm 2023 dự báo khó khăn nhiều hơn, nhiều ý kiến nhận định, với ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% như báo cáo của Chính phủ là rất thách thức.

Để thúc đẩy tăng trưởng, nguồn lực có thể coi là “sẵn có” và cần khơi thông là lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động, các dự án hiện hữu và dòng vốn nhà nước rất lớn cần khơi thông hoạt động giải ngân.

Ông Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2022 có sự đóng góp trực tiếp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn và đó chính là thách thức cho tăng trưởng thời gian tới (năm 2020, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP; Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực này lên 55% GDP trong giai đoạn 2021 - 2025 - PV). Đại biểu Phan Đức Hiếu mong muốn Chính phủ phân tích rõ hơn, cụ thể hơn những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực nào, ở nhóm doanh nghiệp nào và khó khăn chủ yếu là gì. Nhất trí về việc kiểm soát dòng vốn tín dụng, vốn từ trái phiếu, nhưng ông Hiếu cho rằng, nên phân loại các đối tượng. Có lĩnh vực cần hạn chế, nhưng cũng có lĩnh vực cần tiếp tục có những kênh cấp vốn cho doanh nghiệp, để bảo đảm tính liên lục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Áp lực tăng giá nguyên vật liệu đầu vào cũng cần có giải pháp kịp thời để giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhận định doanh nghiệp là một trong những thành phần sẽ đóng góp chủ yếu, chủ lực cho nền kinh tế được ổn định và phát triển, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Chính phủ nên quan tâm, có giải pháp sớm để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh.

Khai phá nguồn lực sẵn có từ dự án ách tắc

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, giải ngân đầu tư công là điểm nghẽn lớn cần giải quyết, vì nền kinh tế đang rất khát vốn, rất cần đưa công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nguồn lực, tài sản xã hội đang bị lãng phí rất lớn ở rất nhiều dự án bị ách tắc, ví dụ như các dự án điện gió. Chính phủ cần chỉ đạo và phải quyết liệt làm sớm Quy hoạch điện VIII để giải phóng các nguồn lực xã hội. Đồng thời, giúp cho các tỉnh, các địa phương có cơ sở để hoạch định quy hoạch phát triển.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, lĩnh vực đầu tư công có nhiều tồn tại tái diễn nhiều năm, nhưng việc khắc phục đến nay vẫn chưa được giải quyết như việc hoàn thành các thủ tục đầu tư, chuẩn bị các dự án đầu tư kém chất lượng và rất hình thức, không bảo đảm quy định, phân bổ vốn chậm… Mấy năm nay phát sinh vấn đề lớn nữa là một số bộ, địa phương trả lại vốn nhà nước rất nhiều. Nếu dòng vốn đầu tư công không giải ngân nhanh, bị ách tắc sẽ ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp, không chỉ tiếp cận vốn, mà còn nhiều khó khăn khác, ví dụ như tiếp cận đất đai. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu làm sao kiểm soát được lạm phát, ổn định được tỷ giá, điều hành lãi suất tín dụng phù hợp nhưng phải thúc đẩy sản xuất. Cần phải hài hòa để vẫn đáp ứng được nhu cầu vốn cho lĩnh vực, ngành nghề, dự án đang hoạt động tốt, nếu cào bằng sẽ nguy hiểm. Tập trung tháo gỡ, hỗ trợ ngay để nâng cao năng lực của doanh nghiệp sẽ là nhân tố chính để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đồng thời, việc tháo gỡ cho các dự án đã cấp phép, đang hoạt động gặp vướng mắc rất chậm. “Làm sao khơi thông được các điểm nghẽn này, tập trung tháo gỡ dứt điểm là có thể giải phóng được nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng, chưa nói đến dự án mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Về đầu tư công, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng năm nay tỷ lệ giải ngân thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng gần 35.000 tỷ đồng nếu xét về giá trị tuyệt đối. Tổng số vốn kế hoạch năm 2022 nhiều hơn năm 2021 khoảng 120.000 tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và cả đặc thù ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, thời gian tới tình hình sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, những vấn đề căn bản, cốt lõi làm vướng mắc giải ngân đầu tư công, như về đất đai, giải phóng mặt bằng… cần phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi.

Chuyên đề