Thúc đẩy quy hoạch địa phương, bật sáng tiềm năng đất nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh lập quy hoạch tỉnh, thành đang có nhiều thuận lợi khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố. Cùng với đó, nhiều quy hoạch cấp quốc gia và cấp vùng đã được phê duyệt, làm cơ sở cho các địa phương hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, bền vững.

Bối cảnh nhiều thuận lợi

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 21/4, có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.

Trong đó, riêng đối với quy hoạch tỉnh, trong tuần cuối tháng 4/2023, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định đối với quy hoạch của 2 địa phương là Đắk Lắk và Hậu Giang. Theo đó, 37 địa phương đã trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, trong đó có 8 địa phương đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Tuyên Quang.

Tại nhiều phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng cũng cho biết, việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện, hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Chúng ta cần nhận ra đâu là cơ hội mới, thách thức mới, để tạo dựng không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới.

Quy hoạch của nhiều địa phương gần đây được lập trong bối cảnh có nhiều thuận lợi khi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng đã được ban hành và triển khai… Đặc biệt, ngày 20/4/2023, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố; cùng với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 6 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt… là cơ sở để các tỉnh đưa ra định hướng phát triển.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ cho các địa phương hoạch định tầm nhìn dài hạn cho phát triển

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ cho các địa phương hoạch định tầm nhìn dài hạn cho phát triển

Cần mở rộng liên kết vùng, lan tỏa kết nối kinh tế

Nhận xét về quy hoạch của nhiều địa phương, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy trình lập quy hoạch, nội dung quy hoạch đã thể hiện cơ bản, rõ nét về khát vọng phát triển, thể hiện được sự liên kết và đồng bộ trong định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến, phản biện, thẩm định, nhiều chuyên gia cho rằng, yếu tố liên kết vùng thể hiện trong các quy hoạch tỉnh còn mờ nhạt, trong khi đây là một trong những động lực kích thích sự phát triển, lan tỏa kết nối kinh tế.

Đơn cử, tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghệ An phải trở thành trung tâm, cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. Bộ trưởng yêu cầu Quy hoạch tỉnh phải làm nổi trội triết lý phát triển, thứ tự ưu tiên có tính táo bạo, đột phá; làm rõ liên kết vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà và kết nối với Lào, cũng như vấn đề hình thành hệ thống đô thị, đặc biệt là xây dựng TP. Vinh trở thành đô thị biển, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ…

Với Quảng Ngãi, tham gia phản biện, góp ý cho Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến yếu tố liên kết vùng. Quy hoạch Tỉnh cần làm rõ vai trò, ý nghĩa của hệ thống giao thông quốc gia đến sự phát triển kinh tế của địa phương, nhất là đối với dịch vụ logistics, đồng thời làm rõ liên kết phát triển giữa Cảng hàng không Chu Lai với cảng biển Dung Quất, một lợi thế lớn của Quảng Ngãi. Về phát triển đô thị và công nghiệp, Quảng Ngãi cần xây dựng phương án quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất không chỉ mang lại giá trị cho Tỉnh, mà còn cho toàn vùng.

Theo dõi quá trình xây dựng quy hoạch của một số địa phương, ông Trần Ngọc Chính nhận xét, có địa phương chỉ đưa ra mối liên hệ, hợp tác và kết nối kinh tế với các địa phương lớn, thành phố trực thuộc Trung ương có khoảng cách khá xa, trong khi mối liên hệ với các địa phương giáp ranh lại bị xem nhẹ, hoặc không đề cập. Xây dựng mối liên kết vùng là rất quan trọng để định hình sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đó chính là phát triển mối quan hệ giữa không gian kinh tế với không gian tự nhiên, sinh thái, xã hội và không gian chính sách, thể chế để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho từng vùng và cả quốc gia.

Huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch

Để tạo dựng không gian phát triển mới, quy hoạch của các tỉnh đưa ra dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 tại mỗi địa phương ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, Báo cáo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 600.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 210.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 390.000 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Cao Bằng, căn cứ mục tiêu được xác định trong Quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tỉnh trong thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 160.200 tỷ đồng.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển về hướng Đông gắn với kinh tế biển. 630.000 tỷ đồng là số vốn đầu tư phát triển cần thiết cho giai đoạn 2021 - 2030 được Tỉnh đưa ra trong Quy hoạch, cùng với đó là nhiều dự án động lực, dự án hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị... được đề xuất.

Theo TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, bên cạnh việc tính toán nguồn lực để thực hiện các khát vọng của địa phương, một trong những vấn đề quan trọng trong các quy hoạch tỉnh là phải luận giải được khả năng huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Theo đó, cần làm rõ từng nguồn vốn (đầu tư công; đầu tư khu vực tư nhân; đầu tư FDI) và tính khả thi trong khả năng huy động của mỗi địa phương.

Ở góc nhìn của mình, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng, nếu có quy hoạch tốt thì quy hoạch đến đâu, tiền ra đến đấy. Vấn đề là làm cách nào để quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý giá trị về đất… để tận dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, vẫn đang là bài toán mở của các địa phương. Về phía Nhà nước, từ nguồn lực đầu tư công, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ là “vốn mồi”, thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư tư nhân, xã hội hóa, góp sức hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch của địa phương.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư