Vượt mọi thách thức, xây dựng Việt Nam hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, Đại hội Đảng lần thứ XIII thổi bùng ngọn lửa khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường. Để hiện thực hóa khát vọng cao quý và vinh quang này trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam mạnh lên từ nội lực, độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế.
Xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam chất lượng cao là giải pháp cốt lõi để nền kinh tế nước ta mạnh lên từ nội lực
Xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam chất lượng cao là giải pháp cốt lõi để nền kinh tế nước ta mạnh lên từ nội lực

Thành tựu và thách thức mới

Sau dấu ấn lịch sử Việt Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), nhân dân ta bước vào công cuộc tái thiết đất nước và đổi mới nền kinh tế. Thế và lực của Việt Nam ngày càng được khẳng định, đời sống nhân dân được cải thiện với dấu ấn gia nhập nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải nhận diện rõ và có giải pháp hiệu quả để tiếp tục con đường xây dựng nền kinh tế tự chủ, phát triển nhanh và bền vững.

Với thực tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các nhân tố bên ngoài. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 40,11% trong tổng chi phí nguyên vật liệu dùng trong sản xuất, tỷ lệ này trong công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của quốc gia - chiếm tới 50,98%.

Nguyên vật liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất phụ thuộc vào một số ít thị trường, tạo nên rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, Trung Quốc là thị trường chủ yếu của Việt Nam, chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn bộ nền kinh tế. Nhập khẩu tư liệu sản xuất từ Trung Quốc chiếm trên 30% tổng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất. Vì vậy, những biến động tại thị trường Trung Quốc tác động rất mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.

Trong những năm qua, vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế liên tục được củng cố và khẳng định. Tuy vậy, thương mại quốc tế của nước ta phụ thuộc khá lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của khu vực FDI chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Điều này phản ánh thương mại quốc tế của nước ta dễ bị tổn thương.

Từ năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rất đáng chú ý với hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng nhanh. Xu thế này khiến quyền sở hữu nhiều tổ chức kinh tế của nước ta chuyển sang các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nước ngoài nhiều hơn.

Một thách thức khác đối với nỗ lực tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề nguồn nhân lực. Nguồn cung lao động hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu về một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cơ cấu lao động theo 3 khu vực kinh tế chưa hợp lý, lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tới 27,5%. Bên cạnh đó, số lượng lao động ở khu vực phi chính thức còn rất lớn. Theo số liệu thống kê năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ rất thấp. Lao động không có trình độ chiếm 72,5% trong tổng số lực lượng lao động; trình độ sơ cấp 6,8%; trình độ trung cấp 4,3%; cao đẳng 3,7%; đại học trở lên là 12,5%. Nhiều tổ chức quốc tế trong đó có Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đánh giá, khả năng hội nhập của lao động Việt Nam chưa cao. Trình độ tay nghề tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.

Xây dựng nền kinh tế mạnh lên từ nội lực

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, công cuộc cải cách thể chế, sửa đổi, bổ sung và xóa bỏ những quy định cản trở, không còn phù hợp cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, Việt Nam cần khẩn trương cải cách nền quản trị quốc gia theo quan điểm chuyên nghiệp hóa, phải là linh hồn của cải cách, các nguyên tắc, chuẩn mực và quy trình mang tính kỹ trị nghiêm ngặt trong việc ban hành chính sách và pháp luật. Các ưu tiên chính sách phải được xác lập trên cơ sở lợi ích quốc gia.

Để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, giải pháp căn cơ là cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy việc sử dụng linh hoạt, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Gia tăng sản xuất, tiêu dùng trong nước, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, đa dạng hóa đối tác thương mại và thị trường.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chiến lược xây dựng nguồn lực vật chất thiết yếu bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an ninh năng lượng, lương thực, an ninh tài chính tiền tệ để tạo dựng độc lập, tự chủ về tiềm lực kinh tế. Đối với an ninh năng lượng, thực hiện chương trình chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Về đầu tư, cần cải thiện thể chế đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư; sàng lọc, rà soát kỹ, tăng chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài; giám sát các hoạt động M&A để doanh nghiệp Việt không bị nước ngoài thôn tính.

Công nghiệp hóa và công nghệ luôn là phương thức và công cụ mạnh nhất để xây dựng một xã hội thịnh vượng trong mọi thời đại. Để nhanh chóng đưa giải pháp công nghệ tới doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả vai trò hỗ trợ và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước úng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, cần phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và gia công cơ khí để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, hấp thu khoa học, công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản trị tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI.

Về nguồn nhân lực, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Khi chúng ta kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, khi lãnh đạo các cấp và mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, kiên cường vượt khó, Việt Nam sẽ hiện thực hóa thành công mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa đất nước sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới.

Chuyên đề