Thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn nhà nước: Bước tiến thực chất trong hoạt động đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước. Luật mới bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu.

Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Luật Đấu thầu (sửa đổi), có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024.

10 năm sau lần sửa đổi năm 2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Thưa ông, quan điểm, mục tiêu chính đặt ra khi xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này là gì?

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng

Luật Đấu thầu từ khi được ban hành năm 2005, sửa đổi năm 2013, cùng với các Luật có liên quan, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước, phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật, để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc và thích ứng nhanh hơn các đòi hỏi từ thực tiễn.

Mục tiêu xuyên suốt mà Cơ quan soạn thảo đặt ra khi xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) là tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy hoạt động mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

Trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi), Cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng những vướng mắc, khó khăn phát sinh từ thực tiễn, theo tinh thần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa Luật. Đồng thời tham khảo thông lệ quốc tế, tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động của Luật… Các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị để Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự án Luật và Quốc hội khóa XV đã thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững, Chính phủ liên tục chỉ đạo việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Với Luật Đấu thầu (sửa đổi), xin ông chia sẻ về những đổi mới trong các quy định pháp lý để góp sức thực hiện chủ trương này?

Thực tế, Luật Đấu thầu 2005, 2013 đã được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thông lệ chung và điều kiện thực tế của đất nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, cải cách thủ tục hành chính, vừa đảm bảo tính minh bạch, công khai trong đấu thầu.

Qua nhiều năm thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu theo pháp luật về đấu thầu, năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu được nâng lên, chuyên nghiệp hơn, phân cấp mạnh hơn, đấu thầu qua mạng được đẩy mạnh..., tạo ra dư địa, cơ hội cải cách, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong đấu thầu, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu, nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” các tiêu chí mang tính lợi ích nhóm.

Cụ thể, về thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu, Luật chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu và thời gian tối thiểu thực hiện việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển. Đối với thời gian thực hiện các công việc khác, người có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm quyết định thời gian thực hiện trên cơ sở bảo đảm tiến độ của dự án, gói thầu. Đối với lựa chọn nhà đầu tư, Luật chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, các công việc khác, người có thẩm quyền, bên mời thầu có trách nhiệm quyết định thời gian thực hiện trên cơ sở bảo đảm tiến độ thực hiện của dự án đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, Luật tối đa hóa việc thực hiện thủ tục đấu thầu trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia để rút ngắn thời gian; cắt giảm nhiều thủ tục cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa, dịch vụ phát sinh trên cơ sở hợp đồng thực hiện trước đó nhằm tiết kiệm thời gian đấu thầu...

Về đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước, Luật quản lý chặt chẽ hơn hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, trao quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp này trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Luật Đấu thầu trao quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Ảnh: Nhã Chi

Luật Đấu thầu trao quyền tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình. Ảnh: Nhã Chi

Cùng với đơn giản hóa thủ tục, yêu cầu quan trọng không kém đặt ra với chi tiêu công là phải quản lý hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Trong thời gian qua, hành vi thông thầu, gian lận, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu vẫn là một thực tế nhức nhối. Vậy Luật Đấu thầu (sửa đổi) có những quy định mới nào hạn chế tình trạng này, thưa Cục trưởng?

Mục tiêu xuyên suốt của Luật Đấu thầu kể từ lần đầu tiên được ban hành năm 2005 đến nay là quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc mua sắm bằng nguồn vốn nhà nước, bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành Luật, các hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi, như dàn xếp, thông đồng, gian lận, nâng khống giá, cài cắm tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, không công khai thông tin trong đấu thầu, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu…

Để ngăn chặn tình trạng này, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu, nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” các tiêu chí mang tính lợi ích nhóm. Theo đó, hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định của Luật thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.

Luật tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu phải được công khai trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia. Đồng thời, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của nhà thầu và chất lượng sử dụng hàng hóa mà nhà thầu đã cung cấp, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín và hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia được kết nối với các cổng thông tin điện tử, hệ thống công nghệ thông tin khác để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ đấu thầu qua mạng và quản lý nhà nước về đấu thầu, tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

Với các hình thức lựa chọn nhà thầu không cạnh tranh như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, tự thực hiện, Luật quy định rõ các trường hợp áp dụng, trách nhiệm khi thực hiện, để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, tránh lạm dụng, lách luật để không phải áp dụng đấu thầu rộng rãi.

Luật bổ sung các hành vi bị cấm trên cơ sở tổng kết các hành vi vi phạm đã xảy ra trong thực tế, tăng cường chế tài và trách nhiệm xử lý của người có thẩm quyền. Quy định rõ về thành phần, trách nhiệm, hoạt động của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, bảo đảm tính khách quan, xử lý hiệu quả các kiến nghị của nhà thầu, nhà đầu tư và các bên liên quan trong hoạt động đấu thầu.

Luật cũng bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với đấu thầu; bổ sung, hoàn thiện quy định thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu...

Một nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm là vướng mắc, khó khăn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Luật Đấu thầu (sửa đổi) có quy định nào mới, giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, thưa ông?

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế là nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Quốc hội, người dân quan tâm và yêu cầu phải có giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc thực tế. Chính vì thế, ngoài một số quy định chung, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành 1 chương riêng quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Có thể tóm lại trong các điểm chính sau:

Một là, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế; giao cho các bệnh viện tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm y tế để bán tại các cửa hàng thuốc nằm trong khuôn viên bệnh viện.

Hai là, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế như: cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ thiết bị y tế từ một nhóm quốc gia để mua được thiết bị có chất lượng tốt.

Ba là, bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (gọi chung là “mô hình máy đặt, máy mượn” mà vừa qua Chính phủ đã phải ban hành Nghị quyết số 30 để giải quyết vấn đề này).

Bốn là, chỉnh lý quy định về thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân trong trường hợp không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Năm là, chỉnh lý quy định về ưu đãi cho thuốc sản xuất trong nước theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh trong việc tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy, dây chuyền, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến.

Theo chúng tôi, nội dung quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) cơ bản giải quyết được các bất cập hiện nay và được sự thống nhất cao. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật thì ngoài quy định của Luật Đấu thầu, rất cần phải xem xét, sửa đổi một số quy định liên quan về dược, tài sản công, bảo hiểm y tế… cho phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế.

Ảnh: Lê Tiên

Ảnh: Lê Tiên

Một vấn đề khác cũng nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội là làm sao thông qua chi tiêu công, khuyến khích được hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Luật bổ sung một số quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, sản phẩm, dịch vụ được cung cấp bởi nhóm lao động yếu thế nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Luật tiếp tục kế thừa, hoàn thiện quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu tại Luật Đấu thầu năm 2013, bổ sung quy định về ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với lựa chọn nhà đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi là nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Với rất nhiều nội dung mới, thông thoáng, hiệu quả hơn tại Luật Đấu thầu (sửa đổi), làm thế nào để Luật sớm được thực thi và phát huy hiệu quả thực tiễn?

Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Để các quy định tại Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn, trước hết các văn bản hướng dẫn những nội dung giao Chính phủ quy định tại Luật cần ban hành kịp thời, có chất lượng.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ xem xét vào tháng 9/2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng một số thông tư hướng dẫn chi tiết, như ban hành các Mẫu hồ sơ đấu thầu, chỉnh lý các Mẫu hồ sơ mời thầu đối với đấu thầu qua mạng… để giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và các bên liên quan thuận tiện trong quá trình áp dụng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cũng cần xây dựng, ban hành kịp thời các thông tư, văn bản hướng dẫn cần thiết trong lĩnh vực mình. Đặc biệt các bộ, ngành khi xây dựng thông tư cần giữ đúng tinh thần của Luật, vì lợi ích chung, không được xảy ra tình trạng Luật, Nghị định thông thoáng nhưng lại cài cắm quy định, điều kiện tại Thông tư.

Tôi cũng muốn lưu ý rằng, công tác đấu thầu từ trước đến nay vẫn là một lĩnh vực ẩn chứa nhiều yếu tố nhạy cảm, nếu các bên tham gia đấu thầu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm có thể gây nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ ra, tiêu cực, hạn chế, vướng mắc trong đấu thầu thời gian qua có nguyên nhân lớn từ khâu tổ chức thực hiện.

Vì thế, tổ chức thực hiện tốt sẽ là yếu tố quan trọng để những quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhanh chóng đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh công tác quản lý hoạt động đấu thầu đã phân cấp rất mạnh. Các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động đấu thầu cần nâng cao năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm, công tâm khi thực hiện công việc. Cùng với đó, cần làm tốt công tác giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; giám sát, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng.

Chúng tôi cũng cho rằng, vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại địa phương, Nhân dân, các cơ quan truyền thông… đối với hoạt động đấu thầu là rất quan trọng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.

Nhiều nội dung cải cách tại Luật Đấu thầu (sửa đổi) kết hợp với công tác tổ chức thực thi hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo bước tiến lớn, bước tiến thực sự trong công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Chuyên đề

Kết nối đầu tư