Đặt, mượn thiết bị y tế: Cần một cuộc cách mạng tư duy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Loại hình đặt, mượn thiết bị y tế được áp dụng tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu tới các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Malaysia…, vì tính hiệu quả và hữu dụng của nó. Tại Việt Nam, nhiều bệnh viện cũng đang sử dụng hình thức đặt, mượn thiết bị y tế, nhưng làm theo cách khác biệt, nếu không muốn nói là trái ngược với thông lệ. Đã đến lúc cần một cuộc cách mạng tư duy để hiểu đúng, làm đúng, trong một khuôn khổ pháp lý minh bạch và hiệu quả. 
Hai mô hình máy đặt, máy mượn đang áp dụng rộng rãi tại Việt Nam khác biệt cơ bản so với mô hình được áp dụng ở nhiều nước. Ảnh: Lê Tiên

Hai mô hình máy đặt, máy mượn đang áp dụng rộng rãi tại Việt Nam khác biệt cơ bản so với mô hình được áp dụng ở nhiều nước. Ảnh: Lê Tiên

BÀI 1: VIỆT NAM MỘT MÌNH MỘT KIỂU

Mô hình máy đặt, máy mượn đã và đang được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam khác biệt cơ bản so với mô hình được áp dụng ở nhiều nước. Tưởng rằng với mô hình này, nhà thầu chỉ tính tiền hóa chất, còn khấu hao máy, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện… được cho không mà không tính vào chi phí hóa chất. Song kết quả không như mong đợi. Mặt khác, với nhiều bất cập, tồn tại, hệ lụy của nó để lại cho ngành y tế rất nặng nề.

Nhìn người…

Máy đặt, máy mượn ở nước ngoài là một mô hình đấu thầu, quản lý giá, được đặt tên là reagent (hóa chất, chất thử) rental (thuê). Reagent rental được hiểu là gói thầu trọn gói thuê/bố trí trang thiết bị y tế và cung cấp hóa chất, vật tư tiêu hao, phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa… đi kèm. Khác với gói thầu mua hóa chất đưa ra yêu cầu kỹ thuật về hóa chất, yêu cầu kỹ thuật của gói thầu “reagent rental” là yêu cầu về thiết bị, máy móc (như máy phải sản xuất trong 5 năm gần đây, là kiểu máy tự động, yêu cầu về các thông số kỹ thuật của máy… như một gói thầu thuê thiết bị thông thường). Việc chào thầu dựa vào đầu ra là số lượng xét nghiệm dự kiến mà không dựa vào đầu vào là số lượng hóa chất. Giá chào được hiểu bao gồm tất cả chi phí để chạy số lượng xét nghiệm dự kiến, nghĩa là nhà thầu phải tính đủ mọi chi phí bao gồm chi phí hóa chất, khấu hao máy, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và các chi phí khác, tính trên đầu mỗi xét nghiệm.

Mô hình này minh bạch chi phí trên mỗi xét nghiệm, công bằng cho các nhà thầu có mức tiêu hao hóa chất, công nghệ xét nghiệm khác nhau vì đều chào theo chi phí từng xét nghiệm, đạt hiệu quả kinh tế do tính theo đầu ra, không lãng phí hóa chất thừa do chỉ tính tiền theo số lượng xét nghiệm, đưa ra được các yêu cầu kỹ thuật để chọn được máy hiện đại và đặc biệt là không “tù mù”, cả xã hội và người dân đều có thể giám sát… Mô hình này cũng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo áp dụng.

… ngẫm ta

Trước khi Luật Khám chữa bệnh được ban hành, máy đặt, máy mượn chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên mô hình này đã được áp dụng rộng rãi trên cả nước hàng chục năm nay, có những bệnh viện tỷ lệ máy đặt, máy mượn chiếm trên 95% tổng số máy.

Cách thức đầu tiên của mô hình máy đặt, máy mượn đúng với tên gọi của nó, đó là đặt máy ở bệnh viện, sau đó bệnh viện sẽ mua hóa chất, vật tư tiêu hao để vận hành máy. Ở đây, quyền được đặt máy đương nhiên thuộc về chủ sở hữu máy, có thể là nhà phân phối thiết bị, nhà sản xuất thiết bị, hoặc bất kỳ ai đó sở hữu máy. Trong một số trường hợp, cán bộ, nhân viên bệnh viện góp tiền mua máy, hoặc thậm chí một số cá nhân, lãnh đạo của bệnh viện mua máy. Tỷ lệ phân chia doanh thu từ các dịch vụ xét nghiệm giữa bệnh viện - chủ sở hữu máy có thể dao động 30 - 70%, 40 - 60%… Không có một cơ sở pháp lý nào trong việc chọn nhà thầu được đặt máy, mà hoàn toàn theo ý chí chủ quan của lãnh đạo bệnh viện. Đây là nguyên nhân chính nảy sinh tiêu cực trong thời gian vừa qua khi giá trị máy bị nâng khống, tiền chênh lệch vào túi một nhóm người, trong khi bệnh nhân phải trả giá dịch vụ với mức cao hơn rất nhiều so với bình thường.

Cách thức thứ hai “tiến bộ” hơn và vẫn đang được áp dụng, đó là mua vật tư, hóa chất, sau đó nhà thầu trúng thầu cung cấp hóa chất sẽ được đặt máy để chạy hóa chất đó. Hóa chất thường đi theo máy và ngược lại (hay còn được gọi là “máy đóng”), nghĩa là chỉ có loại hóa chất đi kèm mới chạy được máy. Mua được máy tương đương với “chỉ định thầu” luôn hóa chất và ngược lại. Cách thức này tiến bộ hơn cách thức đầu tiên ở chỗ việc mua hóa chất phải qua quy trình đấu thầu, không phải muốn chọn nhà thầu nào đặt máy cũng được.

Biểu giá chào thầu theo đầu ra số lượng xét nghiệm dự kiến tại Trung tâm nghiên cứu gan thận, Pakistan

Biểu giá chào thầu theo đầu ra số lượng xét nghiệm dự kiến tại Trung tâm nghiên cứu gan thận, Pakistan

Hai cách thức này rất được các bệnh viện và nhà thầu ưa chuộng do đơn giản, dễ thực hiện nhưng đã bộc lộ rất nhiều bất cập.

Thứ nhất về khía cạnh pháp lý, mô hình máy đặt, máy mượn chưa phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do luật này chỉ quy định về các trường hợp mua, thuê, thuê mua tài sản công mà không có quy định về nhà thầu đặt máy trong bệnh viện, dẫn đến việc trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30, Bảo hiểm Việt Nam đã từng ban hành nhiều công văn yêu cầu ngừng thanh toán cho các dịch vụ xét nghiệm bởi máy đặt, máy mượn.

Thứ hai là không công khai được đơn giá đầu ra của từng dịch vụ kỹ thuật, từng xét nghiệm, trong chừng mực nào đó, có thể dẫn tới sự thiếu minh bạch. Bệnh viện mua hóa chất để chạy máy, do đó chi phí hóa chất cho một số xét nghiệm lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà thầu (như hóa chất dùng để kiểm tra chất lượng xét nghiệm trước khi chạy máy, sau khi hiệu chỉnh máy, hóa chất để chạy lại xét nghiệm…), nhưng bệnh viện vẫn phải chịu, hay nói cách khác là “trăm dâu đổ đầu… bệnh nhân”. Sự tù mù trong việc xác định chi phí từng xét nghiệm, rõ ràng “dễ thở” hơn cho cả nhà thầu lẫn bệnh viện.

Không có cơ sở pháp lý trong việc chọn nhà thầu được đặt máy, mà hoàn toàn theo ý chí chủ quan của lãnh đạo bệnh viện. Đây là nguyên nhân chính nảy sinh tiêu cực trong thời gian qua.

Thứ ba là số lượng dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên dẫn đến tình trạng hết thời gian thực hiện hợp đồng (thời gian đặt máy) nhưng hóa chất đã mua chưa sử dụng hết, gây lãng phí.

Thứ tư là không công bằng cho các nhà thầu do không cùng một mặt bằng để so sánh, đánh giá trong trường hợp có nhiều hãng sản xuất có thể cùng cung cấp được một loại dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm nhưng với các công nghệ khác nhau, sử dụng các loại hóa chất khác nhau (bao gồm cả hóa chất chính và hóa chất phụ trợ) với mức tiêu hao không giống nhau. Các hồ sơ dự thầu chỉ trên cùng một mặt bằng so sánh khi chào thầu theo chi phí đầu ra trên mỗi dịch vụ kỹ thuật, chứ không phải tính theo đầu vào của khối lượng hóa chất chính.

Thứ năm là không mang lại hiệu quả kinh tế do chỉ căn cứ vào khối lượng hóa chất chính để chào thầu mà không đưa ra các yêu cầu kỹ thuật để chọn thiết bị có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động, độ chính xác cao (thiết bị có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm hóa chất và thiết bị có công nghệ tiêu hao nhiều hóa chất được đối xử như nhau). Đồng thời, dễ dẫn đến tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu để hướng đến một loại vật tư, hóa chất, thiết bị cụ thể, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

BÀI 2: LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN MÁY ĐẶT, MÁY MƯỢN

Chuyên đề