Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên |
Bảo đảm giải ngân hết vốn kế hoạch
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu kép, thắng lợi kép là vừa chống dịch Covid-19 thành công, vừa đảm bảo thực hiện được mục tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra.
Theo nhiều ý kiến, trong bối cảnh những lĩnh vực đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, thì việc kích thích tài khóa thông qua đẩy mạnh đầu tư công là cần thiết để phục hồi nền kinh tế sau dịch, hỗ trợ tăng trưởng. Nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả sẽ có tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến phát triển kinh tế. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, vốn đầu tư công chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp nhất định vào tăng trưởng. Ý nghĩa hơn là vốn đầu tư công để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế. Các dự án hạ tầng được hoàn thiện có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Xác định đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 ngay trong tháng 3/2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội…
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3/2020; trong đó thể hiện rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện, giải ngân theo kế hoạch. Bộ KH&ĐT thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân; có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ.
Đột phá ở những dự án lớn
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020...; không được để chậm trễ như vừa qua.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy đối với các dự án trọng điểm như: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đồng thời, xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, các dự án PPP quy mô lớn đang gặp trở ngại là khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để đảm bảo phương án tài chính bị hạn chế, bởi ngân hàng trong nước gần chạm trần dư nợ cho vay trung, dài hạn. Trong khi đó, một số dự án PPP đang ở thời điểm giao thời kế hoạch đầu tư công 5 năm cũ sang 5 năm mới, nên có thể tính tới chuyển đổi đầu tư từ PPP sang đầu tư công thuần túy, thu xếp vốn trong kế hoạch 5 năm tới để đảm bảo thực hiện được dự án. Ngoài chuyển đổi hình thức, cũng xem xét trình cấp có thẩm quyền về cơ chế thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, dự án đầu tư xong thì đấu thầu khai thác, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các dự án tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đối với các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông, phần thu xếp vốn cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng còn vướng một số thủ tục về giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đấu thầu cao tốc Bắc - Nam. Khi hoàn thiện thủ tục thì có thể bắt tay thực hiện ngay, có khối lượng sẽ giải ngân được nguồn vốn lớn.
Với chỉ đạo quyết liệt tại Chỉ thị số 11/CT-TTg cùng nhiều quy định mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi), giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm nay được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện so với năm 2019. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý, năm 2020 phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, vừa tập trung giải ngân thực hiện kế hoạch năm 2020, vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, sẽ làm phân tán sự tập trung chỉ đạo cũng như nguồn lực thực hiện. Sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu là rất quan trọng để thúc đẩy giải ngân. Nhiều công việc của dự án phải tiến hành song song, khẩn trương để khi dự án bắt đầu thực hiện có khối lượng là có thể giải ngân ngay.