Thúc đầu tư, giải phóng động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguồn vốn đầu tư công còn rất lớn tiếp tục được thúc đẩy giải ngân nhanh, mạnh cũng như các dự án đầu tư đang ách tắc nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ ngay lập tức giải phóng một nguồn vốn rất lớn, tác động lan tỏa tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đây là dư địa, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm nay.
Quý I/2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: LTT
Quý I/2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: LTT

Đẩy vốn dự án công

Từ góc độ của bộ có số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 lớn nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công cần được tập trung thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt tại các bộ, ngành được giao vốn lớn, từ đó sẽ tạo ra dư địa, động lực tăng trưởng ngay lập tức. Riêng Bộ GTVT, kế hoạch vốn năm 2023 là 94 nghìn tỷ đồng, quý I đã giải ngân được 17%, là mức tương đối tốt, nhưng Bộ không chủ quan, tập trung đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới.

Tính chung cả nước, trong quý I/2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã có 73.192,092 tỷ đồng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế. Tỷ lệ giải ngân đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng số tuyệt đối cao hơn khoảng 11,7 nghìn tỷ đồng.

Với tổng nguồn vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng, kế hoạch vốn đầu tư công của cả nước năm 2023 còn rất lớn, các bộ, ngành, địa phương đang đặt quyết tâm cao để giải ngân đạt kế hoạch năm.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sĩ Thanh, quý I, Thành phố giải ngân hơn 5.100 tỷ đồng, đạt 11% kế hoạch năm, nhưng có 16 sở, ngành, quận, huyện chưa giải ngân. Thành phố đang rà soát, đánh giá, nếu do nguyên nhân chủ quan sẽ phê bình nghiêm khắc, xác định trách nhiệm cá nhân. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục quyết liệt chỉ đạo giải ngân nguồn vốn được giao, tập trung giải quyết vướng mắc về đất đai, giá cả.

Cũng đạt mức giải ngân cao hơn bình quân cả nước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đăk Nông Lê Văn Chiến cho biết, giải ngân vốn đầu tư công quý I của Tỉnh đạt gần 11% kế hoạch. Ngay sau Tết, Tỉnh đã đôn đốc, tranh thủ mùa khô triển khai đồng loạt nhiều dự án. Tỉnh cũng đang thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, tích cực chuẩn bị để sớm khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành…

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cam kết giải ngân đúng tiến độ, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo tiến độ giải ngân 10 ngày 1 lần, nâng cao tính sẵn sàng triển khai dự án từ mặt bằng đến vật liệu xây dựng…

Với tỷ lệ giải ngân quý I đạt 7,57% kế hoạch - thấp hơn cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Tỉnh đã thành lập các tổ công tác do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm Tổ trưởng, thường xuyên đôn đốc, gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ đầu tư với công tác giải ngân, phấn đấu 6 tháng đầu năm giải ngân trên 60% kế hoạch vốn.

Năm nay, việc đôn đốc giải ngân đầu tư công được chỉ đạo rất quyết liệt từ đầu năm. Các tổ công tác của Chính phủ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm. Một trong những vướng mắc lớn nhất, đặc biệt với dự án hạ tầng giao thông, là vật liệu xây dựng, đất đai đã có giải pháp tháo gỡ về chính sách, còn lại cần phát huy trách nhiệm của địa phương, ban quản lý, nhà thầu trong tổ chức triển khai.

Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh, vai trò của đầu tư công hết sức lớn, và Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án, doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ khó dự án tư

Bên cạnh nguồn vốn công, một lượng vốn rất lớn đang bị ách tắc tại các dự án đầu tư của tư nhân.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT tổng hợp, các hợp đồng xây dựng giảm so với trước, dự kiến trong quý I/2023, các doanh nghiệp xây dựng thực hiện chưa đạt 10% kế hoạch năm (thông thường quý I đạt 18% kế hoạch năm).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trong những năm qua có sự bứt phá mạnh mẽ, hỗ trợ các ngành khác, nhưng các tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng. Dẫn con số chỉ riêng TP. Hà Nội đang có hơn 700 dự án dở dang tồn đọng hơn chục năm, tính toàn quốc số dự án dở dang là rất lớn, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, nếu tháo gỡ sớm pháp lý thì nhiều dự án có thể triển khai được, nhanh chóng đi vào xây dựng, hoạt động, giải phóng nguồn lực đáng kể tạo động lực cho tăng trưởng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, bên cạnh những giải pháp chung, trong kiến nghị tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ KH&ĐT đã tham mưu một giải pháp mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đó là tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Ở Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt, ở địa phương cũng cần tương tự như vậy. Bộ KH&ĐT kiến nghị các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt tập trung giải quyết thẳng vào các dự án, doanh nghiệp đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc tại địa phương để có cơ hội ổn định sản xuất, kinh doanh. Như vậy mới có thể phần nào vượt qua khó khăn ban đầu của quý I, cố gắng đạt mục tiêu trong các tháng, các quý còn lại.

Kết luận phiên họp thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất với đề xuất này của Bộ KH&ĐT.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới, giải phóng nguồn lực rất lớn đang ách tắc tại các dự án bất động sản.

Chuyên đề