Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: Vướng đâu gỡ đó, không để quy trình vòng vo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm chính là chìa khóa quan trọng để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn lớn, thách thức nhiều như năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn.
Với số vốn kế hoạch 711,7 nghìn tỷ đồng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Với số vốn kế hoạch 711,7 nghìn tỷ đồng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% so với kế hoạch năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Đây là bài toán khó, nhưng không phải bất khả thi

Ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sự kiện này tiếp tục cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm. Với số vốn kế hoạch 711,7 nghìn tỷ đồng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, thách thức, việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn to lớn này càng có ý nghĩa nhiều hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn.

Nhìn lại, năm 2022, dù rất nhiều khó khăn, với sự chỉ đạo điều hành thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng và sự vào cuộc của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, con số tuyệt đối giải ngân đạt 541.857,52 tỷ đồng - cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021.

Đã có rất nhiều bước tiến trong giải ngân đầu tư công thời gian qua. Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công.

Trong đó, công tác kế hoạch, phân bổ vốn, trước đây thường bị phản ánh là mất nhiều thời gian, thủ tục, đến nay, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, đã được đổi mới rất nhiều, cải tiến nhiều. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và trước nữa thì quy trình kế hoạch là "2 lên 3 xuống" đến nay rút gọn chỉ còn "1 lên 2 xuống": 1 xuống đầu tiên là sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị về xây dựng kế hoạch hằng năm kèm theo thông báo vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch của mình và chỉ gửi đúng 1 lần lên Bộ KH&ĐT để tổng hợp kế hoạch, sau khi trình sang Quốc hội, Quốc hội phê duyệt thì Thủ tướng chỉ giao 1 lần xuống nữa.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quy định của Luật Đầu tư công và Luật số 03/2022/QH15 đã phân cấp một cách triệt để, đến nay về cơ bản các dự án trong nước từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương. Đối với dự án ODA, chỉ còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, nhóm B và C là phân cấp địa phương…

Kết quả giải ngân của năm 2022 và những chuyển biến tích cực về thể chế, về chỉ đạo điều hành..., theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là động lực để thực hiện tốt công tác này trong năm nay.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2023 giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2023 giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Không để quy trình vòng vo khắp các bộ, ngành

Với số vốn lớn cần giải ngân, đi kèm với bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng từng đồng vốn công, Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ nặng nề. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Giải pháp cụ thể đã được đưa ra khá đầy đủ trong các nghị quyết của Chính phủ. Vấn đề vẫn là tổ chức triển khai hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn...

Về vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án, Thủ tướng yêu cầu giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp.

Dù công tác kế hoạch, quy trình của Luật Đầu tư công đã phân cấp triệt để, nhưng thực hiện dự án đầu tư công còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác. Bộ KH&ĐT đã tổng hợp 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Trong đó, trong một số lĩnh vực, quá trình phân cấp còn chưa đồng bộ, chưa đồng đều. Thứ trưởng Trần Quốc Phương dẫn chứng việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa. Theo quy định pháp luật về bảo vệ rừng là hết sức nghiêm ngặt, chuyển đổi 1 m2 rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là phải trình Thủ tướng. Vấn đề này gây vướng mắc cho dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ví như đối với Bắc Kạn, đi đâu cũng gặp rừng cho nên làm một con đường vào thôn, bản là phải chuyển đổi đất rừng, phải báo cáo Thủ tướng...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, có nhiều vướng mắc hiện tại là do "chúng ta tự mình gây ra thôi, tự mình đem đá buộc chân mình", đều là những vấn đề thuộc thẩm quyền có thể giải quyết. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lấy ví dụ, trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là có tiền mới được lập dự án đầu tư, dẫn đến khi bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì 2 năm sau mới giải ngân được. “Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói và cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc. Ví dụ vấn đề thẩm định thiết kế cơ sở không phân cấp mạnh thì không thể nhanh được; đơn giá, định mức cũng phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành chuyên môn rà soát, phân cấp mạnh hơn, vướng ở đâu phải chủ động tháo gỡ ngay, vượt thẩm quyền thì chủ động đề xuất, không để quy trình vòng vo khắp các bộ ngành, làm nhiều thủ tục lãng phí nguồn lực, hiệu quả không cao. "Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng nêu rõ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư