Đẩy sớm vốn đầu tư công vào nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, số vốn đầu tư công cần giải ngân là hơn 700 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc giải ngân nhanh chóng ngay từ đầu năm nguồn vốn đầu tư công được đánh giá sẽ bổ trợ tích cực cho chính sách tiền tệ đang còn ít dư địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. Ý nghĩa lớn, sức ép cũng rất lớn, đòi hỏi công tác chỉ đạo điều hành, giám sát, triển khai thực hiện cần phải đồng bộ.
Tính đến hết tháng 1/2023, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến hết tháng 1/2023, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Sớm phân bổ chi tiết

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng Chính phủ đã giao hết 100% kế hoạch vốn năm 2023 được Quốc hội phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương là 707.044,198 tỷ đồng. Việc sớm phân bổ chi tiết vốn cho các dự án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Sau khi Thủ tướng giao, Bộ KH&ĐT đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tập trung phân bổ chi tiết vốn cho các dự án trước ngày 31/12/2022, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định.

Tính đến hết tháng 1/2023, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Trong số các cơ quan đã gửi báo cáo, có 14 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ngân sách trung ương được Thủ tướng giao.

Bộ Tài chính nhận định, nguyên nhân vốn trong nước chưa phân bổ chủ yếu là do các dự án chưa bảo đảm thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết kế hoạch vốn (trong đó chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); vốn nước ngoài chưa phân bổ do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay, chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ hoặc đang lấy ý kiến nhà tài trợ để hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư. Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, như phân bổ vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện giải ngân (dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; dự án chuẩn bị đầu tư chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt; phân bổ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho một số dự án không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình).

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh phân bổ chi tiết vốn, các tổ công tác của Chính phủ làm việc ngay, Bộ KH&ĐT tổng hợp, nêu rõ bộ, ngành, địa phương nào chưa phân bổ để báo cáo lãnh đạo Chính phủ thúc đẩy, đôn đốc.

Dòng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế ngay từ đầu năm 2023 sẽ có hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chính sách tiền tệ. Ảnh: Trần Chiến

Dòng vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế ngay từ đầu năm 2023 sẽ có hỗ trợ tích cực cho việc triển khai chính sách tiền tệ. Ảnh: Trần Chiến

Đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm

Trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng thực hiện chuyến công tác thị sát và chỉ đạo tiến độ các dự án lớn của đất nước như đường cao tốc, sân bay.

Với hơn 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng nêu rõ cần đưa được dòng vốn này vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, thúc đẩy dòng chảy vốn trong nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ công trình lớn, trọng điểm. Thủ tướng đánh giá các dự án lớn đang được tập trung nguồn lực thực hiện, khắp cả nước là công trường khí thế thi công, vốn cho hạ tầng giao thông đang triển khai rất mạnh.

Công tác chỉ đạo giải ngân đầu tư công được Chính phủ đặc biệt quan tâm, các giải pháp quyết liệt đã được đưa ra tại Nghị quyết 01/ /NQ-CP năm 2023. Mới đây tại Chỉ thị số 03 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn năm 2023, dự án phải đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định. Đồng thời, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trải qua 1 tháng triển khai kế hoạch, bước đầu tập trung vào công tác chuẩn bị, giao kế hoạch, giao chỉ tiêu, giao dự toán, cùng các công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án để sẵn sàng tăng tốc phấn đấu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... ở mức độ tốt nhất có thể.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong công tác chuẩn bị dự án, năm 2023, việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm bớt sức ép hơn so với năm 2022. Đây là điều kiện tốt để bước vào thi công giải ngân ngay trong những tháng đầu năm.

“Bộ KH&ĐT sẵn sàng lắng nghe kiến nghị của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến những khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công để cùng tháo gỡ ngay từ những tháng đầu năm với mong muốn công tác này đạt kết quả cao”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Chuyên đề