Thanh toán vốn đầu tư công tính đến ngày 31/12/2022 là 435.689,97 tỷ đồng, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/12/2022 là 435.689,97 tỷ đồng, đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,3%). Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Bên cạnh đó, còn 28 bộ, 16 địa phương giải ngân đạt dưới 65%, trong đó có 17 bộ, 7 địa phương dưới 50%.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giải ngân đến hết tháng 1/2023. Như vậy, trong tháng 1 này, còn một lượng vốn rất lớn cần giải ngân. Sáng 1/1/2023, tại lễ khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát động “Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công”. Bộ trưởng kêu gọi các cấp, các ngành, các ban quản lý dự án, nhà thầu… tổ chức thực hiện nhanh nhất, tốt nhất, chất lượng nhất công việc trên hiện trường, không kể ngày đêm, không kể ngày lễ, ngày Tết, ngày nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc đã ký kết, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Trong những ngày đầu năm mới này, các bộ, ngành, địa phương đặt trọng tâm, tập trung cao vào công tác điều hành giải ngân đầu tư công.
Là bộ có số vốn kế hoạch năm 2022 lớn nhất cả nước, Bộ Giao thông vận tải đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đạt kết quả cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Tuy nhiên, do số vốn lớn nên khối lượng vốn còn lại của Bộ cần giải ngân trong tháng 1/2023 rất nhiều. Bộ vừa có văn bản đề nghị các đơn vị, đặc biệt là các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 31/12/2022 thấp hơn 95% phải rà soát, hoàn thiện các thủ tục giải ngân khối lượng đã thực hiện, bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch năm 2022 đã được bố trí. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ trước ngày 20/1/2023 làm cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện.
Tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được gần 15.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 12/2022, bằng 120% kế hoạch Trung ương giao, bằng 95% kế hoạch điều hành của Tỉnh. Ảnh: Tiên Giang |
Cũng là địa phương có số vốn kế hoạch năm 2022 lớn, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, xác định đầu tư công là trụ cột quan trọng trong tăng trưởng GRDP, ngay từ đầu năm, Tỉnh đã lên kế hoạch phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công được giao và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tính đến hết tháng 12/2022, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân được gần 15.000 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch Trung ương giao, bằng 95% kế hoạch điều hành của Tỉnh. Dự kiến đến ngày 31/1/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.
Để có được kết quả này, ông Cao Tường Huy cho biết, Tỉnh chú trọng dồn lực cho công trình trọng điểm, không đầu tư dàn trải; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư; phân công lãnh đạo Tỉnh, sở, ngành trực tiếp phụ trách từng địa phương, chủ đầu tư để đôn đốc…
Với tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo Tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành tập trung quyết liệt cho công tác này, nâng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh đạt mức cao nhất, mục tiêu phấn đấu là cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Nhiều địa phương khác cũng phát động tháng thi đua, rà soát tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư, nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại giải ngân cao nhất kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021 (tương đương 120.000 tỷ đồng). Tốc độ giải ngân đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm. Đây là nguồn lực quý giá, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Càng giải ngân nhanh thì càng nhiều dự án hoàn thành, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.