Thủ tướng yêu cầu rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những ngành hàng, sản phẩm chủ đạo, mũi nhọn |
Thư của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ nền kinh tế đi qua gần nửa chặng đường của năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu dự báo sụt giảm; chiến tranh thương mại tiếp diễn khó lường; rủi ro tỷ giá, lãi suất và bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng; giá dầu thô và một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh...
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đổi mới tư duy hành động, cách làm, huy động sự vào cuộc và phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh, ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng một số nội dung trọng tâm trong điều hành.
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém và rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với những ngành hàng, sản phẩm chủ đạo, mũi nhọn; thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; kiểm tra, xử lý, giải quyết tốt từng vấn đề cụ thể phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về từng chỉ số của môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh; nỗ lực cắt giảm chi phí, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chủ động có chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực phát triển.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chủ lực; tập trung tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tận dụng cơ hội, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đặc biệt là Hiệp định CPTPP. Đồng thời, phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện quyết liệt nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công; quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc tháo gỡ vướng mắc về thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; công khai kết quả thực hiện. Đồng thời, từng bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể tạo thuận lợi thu hút, khơi thông các nguồn vốn ngoài nhà nước, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách khác, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo nền tảng ổn định, vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm chi phí sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; phát huy vai trò của tín dụng vi mô, xử lý triệt để nạn tín dụng đen.
Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm đạt và vượt kế hoạch thu ở tất cả các ngành, các cấp gắn với siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; chú trọng mở rộng cơ sở thuế, có chính sách ưu đãi thuế phù hợp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện hiệu quả các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế, áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử, trước hết ở các thành phố lớn…