Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và EuroCham - Ảnh: Trần Nam |
Hợp tác Việt Nam - EU sẽ có bước đột phá
Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng 2.000 DN châu Âu tại Việt Nam. Không chỉ vui mừng trước kết quả trong Báo cáo khảo sát của Eurocham về môi trường đầu tư Việt Nam tháng 3/2018 vừa qua, trong đó 90% DN EU mong muốn duy trì và tăng đầu tư tại Việt Nam, Thủ tướng còn bày tỏ mong muốn: “Đến kỳ khảo sát lần sau, con số này phải tiến tới 100%”.
Cơ sở để đặt ra mục tiêu này, Thủ tướng cho biết, EU luôn là người bạn đồng hành thân thiết của Việt Nam trong suốt 30 năm đổi mới. Hiện tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của EU tại Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD. EU còn là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương từ năm 2006 đến năm 2017 đã tăng gấp 5 lần, đạt 50,2% vào năm 2017.
Đến nay, theo Thủ tướng, việc rà soát các quy định pháp lý phù hợp với Hiệp định EVFTA đã hoàn tất và bước sang giai đoạn chuẩn bị ký và phê chuẩn. Kinh tế Việt Nam và EU mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Nhu cầu phát triển của Việt Nam phù hợp với thế mạnh của các DN EU như công nghiệp 4.0, năng lượng tái tạo, ô tô, nông nghiệp, y tế, giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng (cảng biển, cảng hàng không, giao thông đô thị)... Do đó, Việt Nam và EU đang đứng trước những vận hội to lớn để có thể nâng tầm quan hệ và phát triển mạnh mẽ, sâu rộng hơn bao giờ hết.
“Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính, phục vụ người dân và DN; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội cho tất cả các DN, trong đó có các DN và nhà đầu tư EU. Tinh thần cải cách đang lan tỏa đến 63 tỉnh, thành phố. Tinh thần khởi nghiệp đang trở thành động lực phát triển quốc gia, nhất là lớp thanh niên trẻ”, Thủ tướng chia sẻ.
Trước cơ hội phát triển mới, nhiều DN EU như Siemens, ABB, Nedspice Processing, Neovia, CCA CGM, Bosch, Ericsson... bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, ông Gianluca Fiume - Tổng giám đốc Công ty Piaggio Việt Nam kiêm Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Piaggio phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) chia sẻ với Báo Đấu thầu rằng: “Việt Nam có một nền kinh tế triển vọng, đồng thời cũng nằm trong những thị trường xe máy lớn nhất trên thế giới. Tập đoàn đã quyết định lựa chọn cơ sở tại Việt Nam là trụ sở của Piaggio khu vực APAC... Trong tương lai, Tập đoàn Piaggio mong muốn tiếp tục phát triển tại Việt Nam”.
Còn nhiều việc phải làm
Trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Hội nghị, bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Ban Quan hệ thương mại và kinh tế thuộc Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, thị trường EU vốn có yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, phần nhiều vẫn còn dựa trên sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu thô, có giá trị gia tăng thấp. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, DN Việt Nam phải nâng cao năng lực, phát triển hàng hóa có sức cạnh tranh và chất lượng cao.
Theo bà Miriam Garcia Ferrer, hiện nay, Việt Nam đã có khung khổ pháp lý tốt, nhưng việc thực thi còn tồn tại nhiều vấn đề giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan khác nhau. Thực tế, nhiều DN EU đã khá vất vả trong việc đáp ứng được các yêu cầu pháp lý khi họ tiến hành kinh doanh tại đây. Các thủ tục đầu tư có thời gian thực hiện tương đối dài, với các yêu cầu phức tạp khiến DN EU gặp nhiều khó khăn, phải nói chuyện với rất nhiều cơ quan, ban, ngành. Để cải thiện và khắc phục những hạn chế này, chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp chuyên gia giúp sửa đổi khung khổ pháp lý và cải thiện vấn đề thực thi. Để làm sao ngày đầu tiên đi vào thực thi Hiệp định, mọi chuyện sẽ trơn tru, mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Về phía DN Việt Nam, bà Huỳnh Đinh Tyna Hà Giang, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Biophap (Kon Tum) cho biết, DN đang tìm kiếm và kêu gọi các kênh đầu tư với mong muốn mở rộng thị trường sang khu vực EU trong lĩnh vực nông nghiệp thế mạnh như hồ tiêu, thảo dược... Để tăng sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, DN đang nỗ lực cải thiện sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị và nâng cao quản trị. Để phát triển bền vững, ngoài sự chủ động của DN còn cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, nâng cao nhận thức và cung cách làm việc của người nông dân (ngoại ngữ, đồng hành cùng DN...).
Trước cộng đồng DN Việt Nam và EU, Thủ tướng khẳng định: “Để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, ổn định và lâu dài cho tất cả các bạn, tất cả các DN EU, điều đó không chỉ là nỗ lực của các bạn, mà còn đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương, đối tác, DN Việt Nam”. Ngay tại cuộc gặp, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các DN và báo cáo với Thủ tướng.