Doanh nghiệp mạnh tay gom đất khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính riêng tháng 11/2024, có 10 dự án khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn được chấp thuận, duyệt quy hoạch. “Cuộc chơi” bất động sản (BĐS) KCN đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài ngành, đón đầu sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới.
Một số dự án khu công nghiệp được cấp chủ trương đầu tư năm 2024
Một số dự án khu công nghiệp được cấp chủ trương đầu tư năm 2024

Báo cáo của CBRE cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường phía Nam cho thuê được gần 420.000 m2 nhà kho và 543.000 m2 nhà xưởng, gần gấp đôi cùng kỳ 2023. Tại phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn đạt 91%, tăng 9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê tiếp tục đi lên ở cả hai miền.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024 đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này có lợi cho những nhà phát triển BĐS công nghiệp.

Thống kê của phóng viên cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, có khoảng 16 dự án KCN với tổng diện tích hơn 27.000 ha được phê duyệt, thu hút sự quan tâm của không ít tên tuổi lớn.

Cuối tháng 11/2024, Tổng công ty Viglacera được Ban Quản lý các KCN tỉnh Yên Bái trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Trấn Yên (giai đoạn 1), diện tích 254,59 ha tại xã Bảo Hưng và xã Minh Quân, huyện Trấn Yên. Tổng vốn đầu tư dự kiến 2.184,33 tỷ đồng, tiến độ thực hiện đến quý IV/2028.

Lãnh đạo Viglacera từng tiết lộ sẽ khảo sát, đề xuất lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai các dự án KCN mới tại các địa phương có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh. Tổng công ty sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai thực hiện các dự án như KCN Phù Ninh (400 ha) và KCN Bắc Sơn (200 ha) tại Phú Thọ; KCN Đông Mai mở rộng (150 ha) tại Quảng Ninh; KCN Tây Phổ Yên (868 ha) tại Thái Nguyên… Dự kiến đến năm 2025, Viglacera sẽ ghi nhận tăng thêm 2.000 - 3.000 ha quỹ đất KCN tại các địa bàn tiềm năng.

Một số DN khác như Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long (Dragon Group) được chấp thuận là nhà đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Gia Lách mở rộng tại tỉnh Hà Tĩnh (hơn 194 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình được chấp thuận là nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cam Liên (450 ha); Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng KCN Thanh Bình thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Thanh Bình II, giai đoạn I, tỉnh Hà Nam (226,6 ha, 2.610,423 tỷ đồng)…

BĐS KCN cũng nhận được sự quan tâm của nhiều DN ngoài ngành như Công ty CP FECON. Trong tháng 11/2024, công ty con của FECON là Công ty CP FECON Hòa Yên đã được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án KCN Hòa Yên, tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa và xã Tiên Sơn, Trung Sơn, Hương Mai, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (hơn 256 ha, vốn đầu tư 3.745 tỷ đồng).

Công ty CP Tập đoàn PC1 thông qua khoản đầu tư vào Công ty CP Western Pacific cũng đang mở rộng sang lĩnh vực BĐS KCN. Cụ thể, Công ty CP Cảng quốc tế Hà Nam (thuộc Western Pacific) mới đây đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn VI với diện tích 250 ha, vốn đầu tư hơn 2.975 tỷ đồng. Tháng 7/2024, Công ty CP Đầu tư Western Pacific (thuộc Western Pacific) được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1, tỉnh Bắc Giang với quy mô 119,83 ha, vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng. Cũng trong tháng 7/2024, Công ty CP Hạ tầng Hà Nam (thuộc Western Pacific) được phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn V giai đoạn 1, quy mô 237 ha tại tỉnh Hà Nam.

Công ty CP Tập đoàn Hà Đô cuối tháng 5/2024 đã được UBND các tỉnh Ninh Thuận, Long An, Hưng Yên chấp thuận nghiên cứu lập quy hoạch các KCN trên địa bàn với tổng quy mô 1.000 ha. Hà Đô kỳ vọng đây sẽ là mảng trọng điểm giai đoạn 2025 - 2030 của Tập đoàn.

Công ty CP Chứng khoán Vietcap nhận định, sức hút trong dài hạn của Việt Nam đối với dòng vốn FDI vẫn tốt, được củng cố bởi xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam của các đơn vị sản xuất toàn cầu, chi phí lao động cạnh tranh, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và đà chuyển đổi sang sản xuất tiên tiến thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong các ngành như chất bán dẫn. Đây là yếu tố tích cực cho các KCN trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung đất cho thuê dự kiến cải thiện khi các quy hoạch tỉnh đã hoàn thành, quy trình chuyển đổi đất cao su sang đất công nghiệp được đẩy nhanh, hỗ trợ các nhà phát triển KCN mở rộng quỹ đất và tăng tốc độ hồi phục doanh số cho thuê đất KCN vào năm 2025.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư