Thủ tục đầu tư xây dựng: ‘Rừng’ thủ tục, nhiều kẽ hở

(BĐT) - Nói về hệ thống các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, đại diện nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội cho rằng, “rừng” văn bản pháp luật, quy định, thủ tục hiện nay dày đặc, chồng chéo, nhưng cũng đầy kẽ hở, vừa làm khó DN, vừa tạo ra đất sống cho tiêu cực.
DN phải qua nhiều cửa, thực hiện nhiều thủ tục để được phép đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
DN phải qua nhiều cửa, thực hiện nhiều thủ tục để được phép đầu tư xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

“Mê hồn trận” thủ tục

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý là rào cản lớn nhất. Liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng có cả chục luật tác động, do nhiều bộ soạn thảo, cùng một vấn đề nhưng giữa luật này và luật kia còn có sự khác biệt. Dưới luật lại có vô vàn nghị định, thông tư hướng dẫn làm cho “hàng rào” pháp lý càng rối rắm.

Song song với thủ tục phức tạp, cách thức tổ chức thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng còn thiếu khoa học làm tăng sự phức tạp và tốn kém thời gian. Ông Hiệp lấy ví dụ, để thẩm định một dự án đầu tư xây dựng, chắc chắn phải làm việc với Bộ Xây dựng, nhưng nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng. Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với 4 nơi một cách độc lập, mà không có một cửa thống nhất giải quyết.

Hay đối với một dự án ở cấp thành phố, để xin được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Theo quy định, nếu hồ sơ hợp lệ thì 15 ngày sau có kết quả, nhưng thực tế hiện nay là từ Sở KH&ĐT lại gửi văn bản hỏi ý kiến tới Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở TN&MT và UBND quận nơi có dự án. “Như vậy thực chất phải qua 6 cửa, mà cuối cùng DN phải gặp trực tiếp cả 6 nơi này mới giải quyết được công việc. Và từ 1 thủ tục thành 5 - 6 thủ tục, từ 15 ngày trên lý thuyết thành 5 - 6 tháng… Chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài luôn xác định thà mua lại dự án với chi phí cao hơn một chút còn hơn phải làm trực tiếp, đi vào “mê hồn trận” thủ tục của chúng ta”, ông Hiệp chia sẻ.

Có được giấy phép, chuẩn bị đầu tư đã vất vả, khi thi công, hoàn thành, theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, DN xây dựng còn phải đối mặt với hàng loạt các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo, mà mỗi đoàn lại dựa trên những văn bản pháp lý khác nhau, đưa ra những kết quả, kết luận khác nhau.

Thủ tục dày đặc nhưng vẫn đầy kẽ hở

Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo một luật sửa 4 luật liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị.
Dù có cả “rừng” thủ tục, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hệ thống văn bản dày đặc vẫn bộc lộ những kẽ hở: Chưa quy định các thể chế thực hiện một cách đủ nghiêm nên mới có hiện tượng vi phạm tràn lan về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng.

TS. Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra thực tế, các cục, vụ quản lý lĩnh vực của bộ soạn thảo các thông tư hướng dẫn thường hay cài các điều kiện buộc các chủ thể liên quan phải đến xin, chạy chọt.

Hay như những bất cập về định mức, đơn giá xây dựng cũng tạo ra nhiều kẽ hở cho tiêu cực. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, các văn bản pháp luật hướng dẫn về định mức, giá xây dựng chưa cụ thể, không rõ ràng, dẫn đến nhiều khó khăn trong khâu thanh, quyết toán. Nhiều chủ đầu tư công trình sử dụng vốn ngân sách sợ trách nhiệm, không xây dựng định mức mới, trong khi cơ chế cho phép địa phương công bố giá riêng biệt lại là kẽ hở để các đơn vị tăng chi phí đầu tư xây dựng, gây lãng phí vốn.

Tại Hội nghị, lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, xây dựng cơ bản diễn ra ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, những khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực xây dựng đang dần được tháo gỡ trong thời gian qua. Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì soạn thảo một luật sửa 4 luật liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, trên tinh thần lợi ích xã hội phải đặt lên cao nhất, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, phù hợp với Luật Quy hoạch, vừa tạo thuận lợi cho người dân và DN.

DN xây dựng đang kỳ vọng, với tinh thần kiến tạo, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lần sửa đổi luật này sẽ khiến cho thủ tục hành chính thông thoáng hơn, nhưng cũng bảo đảm “bịt” được những kẽ hở cho lạm quyền, nhũng nhiễu, xin cho.

Chuyên đề