Thu nhập bình quân của lao động đã tăng lên 6,5 triệu đồng/tháng

0:00 / 0:00
0:00
So với cùng kỳ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của lao động đã tăng 19,7% (tương ứng gần 1,1 triệu đồng), điều này cho thấy thị trường lao động tiếp tục khởi sắc.
Biến động thu nhập của người lao động trong quý 2 so với quý 1 năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Ảnh minh hoạ: Vietnam+
Biến động thu nhập của người lao động trong quý 2 so với quý 1 năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước. Ảnh minh hoạ: Vietnam+

Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,5 triệu đồng, tăng 5,3% (tương ứng tăng 326.000 đồng) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 11% (tương ứng tăng 646.000 đồng) so với cùng kỳ năm 2020. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo tình hình lao động việc làm quý 2/2022 và 6 tháng đầu năm do Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 6/7 tại Hà Nội.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết so với 6 tháng đầu năm 2021, một số ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thu nhập bình quân là 7,3 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 476.000 đồng.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong 6 tháng đầu năm 2022 là 7,4 triệu đồng, tăng khoảng 417.000 so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 699.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (7,8 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng). Lao động làm việc trong khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, cao hơn 1,24 lần mức thu nhập bình quân của lao động ở khu vực nông thôn (6,7 triệu đồng).

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng qua quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả năm chưa tác động của dịch COVID-19, biến động thu nhập của người lao động trong quý 2 so với quý 1 năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.

Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2/2022.

Thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2/2022.

Trong các năm từ 2019-2021, thu nhập lao động quý 2 thường giảm so với quý 1 do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý 1. Thế nhưng trong năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2 không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động trong quý 2 năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542.000 đồng. Còn so với cùng kỳ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động đã tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng.Theo ông Phạm Hoài Nam, đời sống người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy quý 2/2022 chứng kiến sự tăng trưởng trong thu nhập bình quân của lao động làm việc ở cả 21 ngành kinh tế so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, một số ngành có tốc độ tăng trưởng khá như khai khoáng 9,7 triệu đồng, tăng 17,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo 7,4 triệu đồng, tăng 12,4%; dịch vụ 7,8 triệu đồng, tăng 623.000 đồng…

Mặc dù thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với biến chủng mới đã xuất hiện tại Việt Nam. Do đó, thời gian giới các doanh nghiệp cần phải tiếp tục nhất quán phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, lơ là khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; cần có các kịch bản đối phó với các biến thể mới có thể xâm nhập vào Việt Nam."

Đối với những khó khăn thách thức do chịu áp lực tăng giá xăng và một số mặt hàng thiết yếu từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, ông Nguyễn Trung Tiến khuyến nghị chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khoá và chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, việc kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu thời gian tới sẽ là giải pháp giúp ổn định an sinh xã hội, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là những người chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Chuyên đề