Thu hút đầu tư vào ngành điện: Nhiều “điểm nghẽn” cần được khai thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự báo về khí tượng thủy văn đưa ra gần đây cho thấy, 2023 có thể là năm nắng nóng nhất trong lịch sử, vì thế nhu cầu điện năng sẽ tăng vọt. Không chỉ vậy, nhu cầu về điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào ngành đang gặp những “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại về những bất cập trong chính sách hiện hành về giá điện cho dự án điện tái tạo. Ảnh: Văn Cường
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại về những bất cập trong chính sách hiện hành về giá điện cho dự án điện tái tạo. Ảnh: Văn Cường

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 4/2023, EVN mới nhận được hồ sơ đàm phán giá điện của 20/85 chủ đầu tư dự án điện tái tạo. Trước đó, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN thoả thuận giá điện dự án chuyển tiếp trước 31/3/2023, nhưng ở thời điểm đó cũng chỉ mới có 6 chủ đầu tư nộp hồ sơ. EVN đề nghị các chủ đầu tư còn lại tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đàm phán giá điện, tránh lãng phí nguồn lực.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chủ đầu tư một số dự án điện tái tạo không ngại ngần cho biết, họ chưa mặn mà với việc nộp hồ sơ đàm phán giá điện bởi có nhiều bất cập trong các quy định hiện hành về khung giá điện tái tạo, có thể đẩy doanh nghiệp vào tình thế ngày càng khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận, ông Hoàng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng tái tạo tỉnh Bến Tre cùng nhận định rằng, nếu những bất cập trong chính sách hiện hành về giá điện cho dự án điện tái tạo không được khắc phục, hoạt động thu hút đầu tư vào lĩnh vực này thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Vốn đầu tư thực hiện các dự án điện tái tạo thường rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng với thời gian thu hồi vốn dài. Để thực hiện đầu tư, doanh nghiệp phải huy động vốn vay. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án điện tái tạo chưa thực sự ổn định đã khiến không ít nhà đầu tư lo lắng.

Trên thực tế, việc một số dự án điện tái tạo bị cắt giảm công suất huy động, hoặc hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại trong suốt hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý các nhà đầu tư… Cơ chế, chính sách đầu tư không ổn định sẽ đẩy các nhà đầu tư vào tình huống rủi ro. “Đây là một trong những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư dự án điện cần được tháo gỡ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh”, ông Thịnh bày tỏ.

Nhiều nhà đầu tư mong Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp sớm được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện. Ảnh: Minh Lương

Nhiều nhà đầu tư mong Quy hoạch điện VIII, cơ chế mua bán điện trực tiếp sớm được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện. Ảnh: Minh Lương

Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng cho rằng, giá điện là một “điểm nghẽn” lớn đối với thu hút đầu tư của ngành điện. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang ngóng đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch điện VIII. “Nếu chúng ta quá cầu toàn trong việc phê duyệt chính sách có thể làm mất cơ hội thu hút đầu tư”, ông Sơn nhận định.

Vốn đầu tư thực hiện các dự án điện tái tạo thường rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng với thời gian thu hồi vốn dài. Để thực hiện đầu tư, doanh nghiệp phải huy động vốn vay. Tuy nhiên, thời gian qua, chính sách thu hút đầu tư vào các dự án điện tái tạo chưa thực sự ổn định đã khiến không ít nhà đầu tư lo lắng.

Lý giải căn nguyên một số ngành nghề kinh tế, trong đó có ngành điện, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa đã có sự cải thiện, song vẫn rất thấp, một nhà thầu sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện trong nước cho rằng, đó là do cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn. Chủ đầu tư e ngại rủi ro với hàng hóa là các loại máy móc, thiết bị mới trong nước sản xuất. Do đó, trong hồ sơ mời thầu các gói thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu yêu cầu nhà thầu có thiết bị, máy móc mới thì đòi hỏi phải được thử nghiệm; phải có hợp đồng tương tự… nên không ít sản phẩm trong nước sản xuất được, nhưng chưa thể vào các gói thầu/dự án sử dụng vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, hệ thống chính sách thu hút đầu tư vào ngành điện chưa thực sự hoàn thiện và đồng bộ; vẫn có sự thiếu kết nối, thiếu phối hợp trong các cơ quan quản lý hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên “điểm nghẽn” nhất định trong thu hút đầu tư vào ngành.

Từ thực tế đó, ông Hà Đăng Sơn đề nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng hành động để khơi thông những điểm nghẽn này, góp phần hóa giải thách thức về nhu cầu điện trước mắt cũng như lâu dài cho phát triển kinh tế. “Chẳng hạn, có thể tăng giá điện ở mức phù hợp để EVN tháo gỡ khó khăn; sớm thông qua Quy hoạch điện VIII; cơ chế mua bán điện trực tiếp…”, ông Sơn gợi ý.

Chuyên đề