Thống nhất cách hiểu và cùng gỡ vướng cho dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại Nghị trường Kỳ họp thứ 6. Theo ông Nguyễn Tiến Huy - Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, đã đến lúc các bên tham gia PPP cần ngồi lại để thống nhất cách hiểu, nhận diện rào cản để cùng tìm ra giải pháp gỡ vướng, thúc đẩy triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự với nhiều thành phần khác nhau như cơ quan quản lý nhà nước, luật sư, trọng tài và doanh nghiệp, hiệp hội nhà đầu tư
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự với nhiều thành phần khác nhau như cơ quan quản lý nhà nước, luật sư, trọng tài và doanh nghiệp, hiệp hội nhà đầu tư

Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo công bố Báo cáo đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng ngày 9/11, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, dự án PPP hiện chịu sự điều chỉnh của các luật khác nhau như: Luật Ngân sách nhà nước (đối với việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án PPP), Luật Đầu tư công (vốn đầu tư công trong dự án PPP), Luật Doanh nghiệp (hoạt động của doanh nghiệp dự án), Luật Xây dựng (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán), Luật Quản lý nợ công (vốn vay ODA sử dụng trong dự án PPP)…

Ngày 18/6/2020, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, tiếp theo đó là các Nghị định số 28 và 35 năm 2021 đưa ra những quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật, quy định về quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Luật đã quy định cụ thể về lĩnh vực đầu tư với 5 lĩnh vực thiết yếu; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP; hội đồng thẩm định dự án; vốn nhà nước trong dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của doanh nghiệp dự án; kiểm toán nhà nước đối với dự án và 7 loại hợp đồng PPP.

Thực tế, cho đến nay, mô hình PPP ở Việt Nam đã triển khai khá thành công với các dự án điện, cung cấp nước sạch cảng hàng không. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, các dự án đường bộ, y tế, đăng kiểm… vẫn chưa có nhiều.

Một trong những nguyên nhân, theo ông Nguyễn Tiến Huy, là do nhiều quy định của Luật còn mới và chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên các bên tham gia PPP còn mất nhiều thời gian để thống nhất cách hiểu, thận trọng trong triển khai.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra những vướng mắc về pháp lý cơ bản nhất của dự án đầu tư PPP trong lĩnh vực giao thông và năng lượng như: thủ tục đầu tư, doanh thu và chi phí, tiếp cận tín dụng, đàm phán và giải quyết tranh chấp... Báo cáo nhận được sự quan tâm cùng thảo luận của hơn 100 đại biểu tham dự tại Hội thảo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, công ty luật, trọng tài và doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để cùng tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích và thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn tư nhân đầu tư theo hình thức PPP.

Chuyên đề