Thị trường BĐS nửa cuối 2021: Đất nền, biệt thự hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhờ vào các yếu tố an toàn, tăng giá tốt và khả năng khai thác lợi nhuận lâu dài, những sản phẩm bất động sản (BĐS) được quy hoạch bài bản ở khu vực giàu tiềm năng vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn được nhiều người lựa chọn.
Dự án FLC Quang Binh Beach & Golf Resort
Dự án FLC Quang Binh Beach & Golf Resort

Thông tin từ một đơn vị môi giới tại Hà Nội cho biết, từ tháng 5 đến nay, dù tạm dừng các hoạt động mở bán tập trung, nhưng lượng khách hàng tìm kiếm thông tin dự án trên các kênh bán hàng online vẫn khá sôi động. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính vẫn tích cực tìm gom đất dự án trong các khu vực được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tiện ích, tại những tỉnh, thành có tiềm năng tăng trưởng tốt, hay các trung tâm du lịch mới nổi.

“Đối với những nhà đầu tư trường vốn, điều họ quan tâm hàng đầu là uy tín, năng lực chủ đầu tư, quy mô dự án, chất lượng sản phẩm và triển vọng sinh lời trong tương lai. Chính điều này khiến cho những dự án có vị trí đẹp, pháp lý minh bạch, quy hoạch bài bản luôn giữ giá, thậm chí duy trì đà tăng bất chấp dịch bệnh”, đại diện đơn vị môi giới này cho hay.

Ví dụ như tại Hạ Long (Quảng Ninh), giá đất biệt thự, đô thị vừa ở vừa nghỉ dưỡng tại các vị trí đắc địa tiếp tục tăng mạnh so với cuối năm 2020, từ mức 40 triệu đồng/m2 hồi tháng 3/2021 và cho đến nay tăng thêm khoảng 30%. Nhưng quỹ đất để phát triển khu vực trung tâm Hạ Long không còn nhiều.

Ở một số thị trường mới nổi như Quảng Bình, giao dịch đất nền khu vực trung tâm thành phố cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong thời gian qua, dao động bình quân từ 15 - 25 triệu đồng/m2 quý I lên khoảng 20 - 31 triệu đồng/m2 thời điểm hiện tại. Giá đất dự án FLC Quảng Bình tăng 20 - 40% tùy vị trí, từ 18 - 20 triệu đồng/m2 lên 23 - 25 triệu đồng/m2 trong tháng 5.

Tại khu vực phía Nam, giá rao bán đất nền tại các khu vực trong bán kính 40 km từ TP.HCM vẫn cho thấy sự tăng trưởng từ 10 - 20% so với năm 2020, tác động từ việc triển khai rầm rộ nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và phê duyệt hàng loạt khu đô thị mới.

Bóc tách dữ liệu của hệ thống ngân hàng cho thấy, tính đến tháng 2/2021, BĐS vẫn là tài sản được người Việt phân bổ tỷ trọng tiền lớn nhất, với quy mô chiếm gần 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào BĐS trong quý I tiếp tục tăng bất chấp dịch, cao hơn so với cùng kỳ là 15,56%. Theo nhiều tổ chức kinh tế, nguyên nhân dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực BĐS đến từ niềm tin của nhà đầu tư về khả năng khống chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam, sự ổn định chính trị, và tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định.

Việt Nam cũng là quốc gia có những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 vừa qua đã có ảnh hưởng tích cực tới tình hình cấp mới/điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, BĐS vẫn sẽ là kênh đầu tư an toàn, cho lợi nhuận bền vững nhờ phụ thuộc nhiều vào sự tăng trưởng và phát triển năng động của nền kinh tế, cũng như thu nhập gia tăng của tầng lớp dân cư.

Với các nhà đầu tư cá nhân, tích lũy tiền vào BĐS được xem là hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như việc gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng giữa thời điểm lãi suất thấp và giá cả thị trường lên xuống bất ổn khó kiểm soát.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư