Từ đầu năm đến nay, số lượng nhân viên Vinasun nghỉ việc gần 10.000 người. Ảnh:Phương Đông |
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) cho biết, số lượng nhân viên tính đến cuối quý III của doanh nghiệp này là 7.292 người, giảm gần 2.000 người so với số liệu ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên.
Từ đầu năm đến nay, tổng số nhân viên nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại (không được xem là người lao động trực tiếp của Vinasun) xấp xỉ 10.000 người. Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng hồi giữa tháng 5, công ty cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.
Hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của Vinasun trong quý III đều tăng trưởng âm hai chữ số so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ xấp xỉ 547 tỷ đồng, phá đáy kể từ cuối 2011 đến nay. Luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt trên 2.450 tỷ đồng, mới hoàn thành khoảng 58% kế hoạch và nếu không xuất hiện nguồn thu đột biến trong ba tháng cuối năm thì chắc chắn Vinasun không thể cán mốc 4.256 tỷ đồng doanh thu đề ra hồi đầu năm.
Dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu “lao dốc không phanh” khi giảm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng về giá trị và 21% về tỷ trọng. Nhằm bù đắp tổn thất của nguồn thu chủ lực, công ty đang tích cực đẩy mạnh dịch vụ vận tải theo hợp đồng và nhượng quyền thương mại nên ghi nhận doanh thu từ đây tăng gấp 8 lần cùng kỳ, lên trên 550 tỷ đồng.
Trong khi hầu hết chỉ tiêu kinh doanh đều giảm mạnh thì tỷ suất lợi nhuận gộp lại được cải thiện đáng kể, từ mức xấp xỉ 15% lên hơn 21%. Lợi nhuận sau thuế quý III giảm gần phân nửa so với năm ngoái, chỉ đạt 47 tỷ và nâng luỹ kế lên mức 148 tỷ đồng.
Tổng giá trị vay ngân hàng và nợ thuê tài chính cuối kỳ báo cáo là 861 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong quý cuối năm, công ty phải thanh toán khoản vay dài hạn 106 tỷ đồng.
Năm nay, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.
Lý giải về việc đặt kế hoạch giật lùi ba năm liên tiếp nhưng nhiều khả năng vẫn không thể hoàn thành, ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân đến từ các yếu tố bất lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber tại thị trường TP HCM, giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay…
Hiện, Vinasun thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng đa dạng hoá hình thức hợp tác với lái xe (vừa khoán xe, vừa ăn chia theo tỷ lệ) và nghiên cứu thị trường, cân nhắc lợi ích để phát triển dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng.
Công ty cũng vừa ra mắt loạt tính năng đặt xe qua tin nhắn Facebook và ước lượng giá chuyến đi tương tự như hình thức triển khai của hai đối thủ chính, đồng thời tập trung mở rộng thị trường tỉnh thông qua các thương vụ nhượng quyền, mua bán sáp nhập… Mới đây nhất, doanh nghiệp này đã chi gần 27 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh thương hiệu taxi Vinasa tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.