Thay đổi cách thức đấu giá đất để chặn hành vi “phá đám”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối tuần qua, hoạt động đấu giá đất tại một số huyện của TP. Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến những hành vi bất thường trong việc trả giá của người tham gia đấu giá với cách thức mới xuất hiện - trả giá cao bất thường rồi đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo. Một số chuyên gia cho rằng, cần nghiêm trị những đối tượng có hành vi lũng đoạn, phá rối, coi thường pháp luật, cũng như cần thay đổi cách thức tổ chức đấu giá đất để hạn chế diễn biến tương tự.
Một số thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội được khách hàng trả giá cao bất thường rồi đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Một số thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội được khách hàng trả giá cao bất thường rồi đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trả giá cao không tưởng rồi đồng loạt “quay xe”

Ngày 29/11, phiên đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội gây xôn xao dư luận khi có nhóm khách hàng trả giá cao bất thường, rồi đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo.

Cuộc đấu giá được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp đối với từng thửa đất và 6 vòng đấu giá bắt buộc. Người trả giá cao nhất tại vòng 6 là người trúng đấu giá. Tại vòng đấu thứ 5, một số thửa đất được khách hàng trả giá cao bất thường, trong đó, khách hàng Phạm Ngọc Tuấn trả giá 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất, khách hàng Ngô Văn Dương trả giá 101,4 triệu đồng/m2 cho 13 thửa đất, khách hàng Nguyễn Thể Quân và Nguyễn Thế Trung trả giá 98,4 triệu đồng/m2 cho 10 thửa đất…

Bất ngờ xảy ra ở vòng đấu thứ 6, có 36 thửa đất khách hàng không tiếp tục trả giá. Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2, cao nhất 50,4 triệu đồng/m2.

Cũng trong thời gian này, 22 thửa đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai (TP. Hà Nội) được đưa ra bán đấu giá với diện tích từ 85 - 135 m2/thửa, giá khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2, tương ứng tiền cọc 90,89 - 143,84 triệu đồng/thửa. Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng, ít nhất 6 vòng bắt buộc, bước giá tối thiểu 5 triệu đồng/m2. Như vậy, người tham gia phải trả tối thiểu 35,3 triệu đồng/m2 ở vòng đấu thứ 6 để có cơ hội trúng đấu giá đất.

Đến vòng đấu thứ 8, giá trả cao nhất khoảng 70 triệu đồng/m2, nhưng do các khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên 22 lô đất được đấu giá không thành công.

Việc tổ chức đấu giá theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, nhiều vòng như cuộc đấu giá ở Sóc Sơn, Thanh Oai sẽ tạo cơ hội cho người tham gia đấu giá gặp nhau, tiếp xúc qua nhiều vòng đấu, rất dễ dẫn đến nguy cơ có trao đổi, bàn bạc trong việc trả giá đấu giá.

Cần thiết thay đổi cách thức đấu giá

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Đấu giá viên TP. Hà Nội phân tích, khách hàng tham gia đấu giá có nhiều dấu hiệu của việc cố tình “phá đám” cuộc đấu giá khi có hành vi trả tới 30 tỷ đồng/m2 - mức giá không tưởng, rồi ở vòng đấu sau viết phiếu trả giá không hợp lệ (phiếu trả sai, phiếu lỗi...), cùng với các khách hàng tham gia đấu giá khác không dám trả mức giá đó nữa nên đồng loạt các phiếu ở vòng 6 không hợp lệ. Theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, không thể dùng giá đã trả cao nhất của vòng đấu thứ 5 làm giá trúng đấu giá dẫn đến cuộc đấu giá không thành.

Bà Hạnh nhận định, một bất cập lớn trong cuộc đấu giá nêu trên là việc khách hàng không bị mất tiền đặt trước khi có hành vi trả giá cao ở vòng đấu trước và không trả giá/phiếu trả giá không hợp lệ ở vòng đấu sau, do quy định của pháp luật về đấu giá tài sản không quy định bị mất tiền đặt trước trong trường hợp này.

Bà Hạnh nêu quan điểm, việc tổ chức đấu giá theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, nhiều vòng như cuộc đấu giá ở Sóc Sơn, Thanh Oai nêu trên sẽ tạo cơ hội cho người tham gia đấu giá gặp nhau, tiếp xúc qua nhiều vòng đấu, rất dễ dẫn đến nguy cơ có trao đổi, bàn bạc trong việc trả giá đấu giá. Theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, có tới 4 hình thức đấu giá (đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại buổi đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến). Trong đó, hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến sẽ hạn chế tối đa việc các khách hàng tham gia đấu giá tiếp xúc trực tiếp với nhau. Với những phức tạp, bất thường trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua, nên chăng cần thay đổi cách thức tổ chức đấu giá, hình thức đấu giá để phần nào ngăn chặn các hành vi bất thường nêu trên.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng khoa Tài chính quốc tế - Học viện Tài chính cho rằng, cần nhìn nhận hành vi làm giá, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường là những hành vi vi phạm pháp luật kinh tế, coi thường pháp luật. Trên thực tế, hành vi này được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, đa dạng các hình thức. Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra xử lý nghiêm minh các đối tượng lợi dụng đấu giá để trục lợi, có những hành vi coi thường pháp luật.

Được biết, UBND huyện Sóc Sơn vừa giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng có hành vi trả giá bất thường tại phiên đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư