Hành vi trả giá cao rồi rút lại đang làm mất uy tín của hình thức đấu giá trực tuyến. Ảnh minh họa: NC st |
Tháng 7/2024, Công ty Đấu giá hợp danh (ĐGHD) Trường Sơn tổ chức đấu giá tài sản là cổ phần cùng lợi tức từ 641.971 cổ phần của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) góp vốn tại Công ty CP Cơ khí xây dựng 121 - Cienco1. Theo đó, tài sản đấu giá có giá khởi điểm 9,881 tỷ đồng, được ĐGTT từ 9h00 đến 10h00 cùng ngày với bước giá là 10 triệu đồng. Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội là người có tài sản, chấp hành viên thi hành án là Hà Thanh Hồng.
Có 3 khách hàng đủ điều kiện tham gia đấu giá gồm: Tạ Văn Trung, Đỗ Khắc Phong, Vũ Bắc Sơn. Vào thời điểm 09:58:57.948, khách hàng Tạ Văn Trung trả mức giá 10,451 tỷ đồng. Sau đó (09:59:00.796), khách hàng Đỗ Khắc Phong trả mức giá 80,451 tỷ đồng (chênh 7.057 bước giá so với giá khởi điểm) và duy trì tới 09:59:50.231 thì bất ngờ rút lại. Vài giây sau, cuộc đấu giá chỉ ghi nhận thêm 4 lần trả giá liên tiếp của khách hàng Tạ Văn Trung và kết thúc với giá trúng đấu giá 11,481 tỷ đồng.
Khách hàng tham gia cuộc đấu giá bức xúc với cách thức trả giá của khách hàng Đỗ Khắc Phong và có phản ánh về quá trình đấu giá, đặt nghi vấn về tính công khai, minh bạch của cuộc đấu giá này.
Sự bất thường trong quá trình trả giá khi tham gia ĐGTT cũng được ghi nhận tại cuộc đấu giá vật tư thu hồi khi thực hiện Dự án Mở rộng hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn 2 Gói thầu HV2-XL10 và Gói thầu HV2-XL11 do Công ty ĐGHD Đấu giá Việt Nam tổ chức từ 14h00 đến 15h00 ngày 12/7/2024.
Theo đó, tài sản đấu giá có giá khởi điểm 11.496.826.000 đồng. Người có tài sản là Khu Quản lý đường bộ III. Sau 30 giây kể từ khi bắt đầu, cuộc đấu giá ghi nhận 1 khách hàng trả giá với mức 43.496.826.000 đồng, chênh 3.200 bước giá (10.000.000 đồng/bước giá) so với giá khởi điểm. Sau đó, một khách hàng khác trả giá với mức 43.506.826.000 đồng. Tới 14:59:10 và 14:59:57, 2 khách hàng nêu trên lần lượt rút lại giá đã trả. Chỉ vài giây sau, cuộc đấu giá kết thúc với giá trúng đấu giá 14,556 tỷ đồng.
Theo các đơn vị tổ chức đấu giá, quy định của pháp luật, quy chế đấu giá chỉ quy định bước giá, không quy định giới hạn số bước giá trên một lần trả giá. Việc khách hàng trả giá với số lượng bước giá lớn trên một lần trả giá rồi sau đó rút lại giá đã trả là ý chí chủ quan của khách hàng.
Chuyên gia đấu giá cho rằng, thực tế này là một điểm bất cập, kẽ hở pháp lý lớn trong ĐGTT hiện nay. Hành vi trả giá cao rồi rút lại giá đã trả trong ĐGTT ngày càng phổ biến, có thể tiềm ẩn nguy cơ trục lợi hoặc phá rối cuộc đấu giá vì mục đích cá nhân. Do đó, cần có giải pháp hoàn thiện trong các quy định của pháp luật để xử lý hành vi trên, tránh trường hợp người tham gia đấu giá lợi dụng việc “rút lại giá đã trả nhưng không mất tiền đặt trước” để thông đồng, móc nối làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc đấu giá, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 172/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2024/QH15 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản). Nghị định quy định rõ về trình tự, thủ tục ĐGTT.
Trong đó, khoản 3 Điều 11 Nghị định số 172/2024/NĐ-CP nêu rõ, thời gian trả giá của phiên đấu giá do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá nhưng tối thiểu là 15 phút. Trường hợp người trả giá cao nhất rút lại giá đã trả trong khoảng thời gian 1 phút trước thời điểm kết thúc phiên đấu giá thì thời gian trả giá được gia hạn thêm 3 phút sau thời điểm kết thúc phiên đấu giá.
Bên cạnh đó, kết quả cuộc ĐGTT được đăng công khai trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin ĐGTT và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sau khi mã số của người trúng đấu giá và giá trúng đấu giá được công bố trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin ĐGTT.
Theo một đấu giá viên, quy định nêu trên phần nào khắc phục được tình trạng trả giá cao bất thường rồi rút lại giá đã trả trong quá trình ĐGTT thời gian qua. Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra quy định về việc dừng tổ chức đấu giá bằng hình thức ĐGTT, dừng cuộc ĐGTT và thông báo ngay cho người có tài sản quyết định thời gian tổ chức đấu giá lại trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống ĐGTT khiến cuộc đấu giá không bắt đầu được hoặc người tham gia đấu giá không trả giá được; thông báo cho người có tài sản biết để hủy cuộc ĐGTT trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống ĐGTT khiến người tham gia đấu giá không thể trả giá, trả giá hợp lệ nhưng không được hệ thống ghi nhận hoặc ghi nhận sai thời gian trả giá.
Một số ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện ĐGTT, cần làm rõ hơn thế nào là “lỗi kỹ thuật” để tránh tạo kẽ hở, bị lạm dụng.