Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Cần giải pháp trúng, đúng và nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng đang “thoi thóp”, ngay cả những nhà thầu lớn cũng hoạt động cầm chừng… Bởi vậy, không chỉ đại diện ngành xây dựng, đại diện nhiều hiệp hội và ngành hàng khác đều mong mỏi cấp có thẩm quyền có những giải pháp trúng, đúng và kịp thời hơn nữa để gỡ khó cho DN.
Quý I/2023, doanh thu của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình chỉ đạt hơn 1.190 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Quý I/2023, doanh thu của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình chỉ đạt hơn 1.190 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Số DN rút lui khỏi thị trường tăng 66,8%

Cập nhật thông tin về tình hình đăng ký DN tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hoạt động của DN vẫn tiếp tục có nhiều khó khăn. Số DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng, trong khi số DN thành lập mới có xu hướng chững lại. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 5 tháng đầu năm nay tăng 22,9% so với mức bình quân của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2018 - 2022, nhưng số DN rút lui khỏi thị trường tăng 66,8%.

Theo Bộ KH&ĐT, phần lớn DN rút lui khỏi thị trường lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 62,7%). Cụ thể, có 55.193 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,3%; 25.498 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7.349 DN giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, hơn 40 năm hoạt động trong ngành xây dựng, chưa bao giờ ông thấy các DN xây dựng ở tình cảnh như hiện nay. “DN ngành xây dựng đang rất khó khăn, thậm chí là thoi thóp”, ông Hiệp phản ánh.

Theo ông Hiệp, đến hết quý I/2023, có khoảng 30% DN ngành xây dựng phải đóng cửa, trong đó chủ yếu là các DNNVV có mức vốn dưới 30 tỷ đồng với thời gian hoạt động dưới 5 năm. Phần lớn DN đang hoạt động cầm chừng, trong đó có cả những DN có tên tuổi, thiếu dòng tiền trầm trọng. “Trước đây (năm 2018), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong hai DN tư nhân lớn nhất trong ngành xây dựng. Thời điểm đó, doanh thu của Hòa Bình là 20.000 tỷ đồng, nhưng quý I năm 2023 chỉ đạt hơn 1.190 tỷ đồng”, ông Hiệp lo lắng.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, áp lực dồn lên vai DN dệt may đang rất lớn. DN vừa phải lo tìm kiếm đơn hàng, vừa phải tìm cách giữ người lao động. Theo ông Cẩm, thời gian qua, để có việc làm cho người lao động, một số DN ký cả những đơn hàng không liên quan đến ngành nghề của mình hoặc đơn hàng có giá thấp, không có lãi…

Áp lực dồn lên vai DN dệt may đang rất lớn, vừa phải lo tìm kiếm đơn hàng, vừa phải tìm cách giữ người lao động. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Áp lực dồn lên vai DN dệt may đang rất lớn, vừa phải lo tìm kiếm đơn hàng, vừa phải tìm cách giữ người lao động. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Để DN không gục ngã…

Theo đại diện các hiệp hội DN, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhiều DN có thể hoàn toàn gục ngã trước khi phục hồi, người lao động mất công ăn việc làm, gây hệ lụy xã hội vô cùng lớn…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, Chính phủ cần có tín hiệu rõ ràng hơn trong việc “giải cứu” DN xây dựng, từ đó giúp DN phục hồi. “Nếu không có cơ chế giải quyết khó khăn một cách kịp thời, DN xây dựng sẽ ngày càng teo tóp dần, những thương hiệu lớn trong ngành sẽ sụp đổ”, ông Hiệp cảnh báo.

Theo đó, đại diện VACC kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét, bổ sung hành lang pháp lý cho các DN có cơ chế bảo đảm hợp đồng nhằm tạo sự bình đẳng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, góp phần giảm tình trạng nợ đọng, tháo gỡ khó khăn dòng tiền cho các nhà thầu. Theo ông Hiệp, hiện nay, rất nhiều chủ đầu tư tư nhân không thanh toán cho nhà thầu xây dựng, nhà thầu phải kiện ra tòa mất rất nhiều thời gian, thậm chí lúc đòi được nợ thì có DN đã kiệt quệ đến mức phá sản. Ông Hiệp cũng mong rằng, cần có Luật Hợp đồng để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

VACC cũng đề nghị cần bổ sung quy chế chống phá giá để tránh hiện tượng các nhà thầu cạnh tranh nhau về giá dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm…

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho DN dệt may, ông Trương Văn Cẩm kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như giảm lãi suất cho vay; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ, để hỗ trợ DN, ngân hàng cần phải tiếp tục hạ lãi suất. Các thành viên Chính phủ cũng cần tích cực phản hồi các văn bản hỏi từ địa phương để khơi thông vướng mắc của DN và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh. “Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các ủy ban liên quan cần vào cuộc để giải thích rõ hơn các nội dung của hệ thống luật pháp luật, tránh gây ra những cách hiểu khác nhau”, ông Ngân đề nghị.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 cho DN; đồng thời loại bỏ ngay những quy định còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho người dân và DN…

Chuyên đề