Vướng mắc trong thực hiện các dự án chuyển tiếp từ các bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ảnh hưởng đến nhiều đại dự án (ảnh: Internet) |
Thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, thủ tục quyết định chủ trương, phê duyệt dự án đầu tư có sử dụng đất đi qua địa bàn nhiều địa phương như các dự án truyền tải điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Lý do là, theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, đối với dự án có sử dụng đất đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, UBND cấp tỉnh nơi chủ đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, tiếp nhận, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trên thực tế, tại một số dự án xây dựng đường dây truyền tải điện, trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành dự án lại không đặt ở địa phương mà dự án có sử dụng đất. Do vậy, việc xác định cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư dự án là không rõ ràng.
Để tháo gỡ vướng mắc, tại Dự thảo, cơ quan chủ trì xây dựng văn bản xử lý vướng mắc đề xuất, cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành sẽ chủ trì thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo, Ủy ban cho rằng, nhà đầu tư sẽ còn vướng mắc trong trường hợp trụ sở ban điều hành dự án không đặt ở một trong số các tỉnh được đầu tư. Do đó, với trường hợp này, Ủy ban đề nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án trên. Lý do là, tại Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đang đề xuất nội dung này.
Đồng thời, để xử lý toàn diện những vướng mắc liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Ủy ban cũng đề nghị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu thông tư quy định cụ thể một số vấn đề về trình tự, thủ tục, nội dung phê duyệt của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Ủy ban lưu ý, hướng dẫn này phải đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.
Trước đó, Ủy ban cho biết gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước. Điển hình là chưa rõ, thiếu thống nhất trong quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của DN nhà nước được quy định tại Luật Đầu tư và Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.
Về thẩm quyền của Ủy ban trong việc quyết định chủ trương đầu tư, cả Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đều không có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của các cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó có Ủy ban… Chính vì những vướng mắc này, thời gian qua, một số dự án lớn chuyển giao về Ủy ban bị ách tắc, đình trệ như: Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Vĩnh Tân; Dự án Nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án Nâng cấp, sửa chữa mở rộng trong phạm vi các cảng hàng không, sân bay…
Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, đến thời điểm này, Dự thảo văn bản xử lý vướng mắc đối với các dự án đầu tư xây dựng của DN thuộc Ủy ban đã được hoàn thành, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tuần này.