Để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện cần khoảng 532 tỷ USD. Ảnh: Song Lê |
Nhu cầu vốn đầu tư tăng 33%, giá điện có thể tăng 30%
Bản dự thảo lần 6 Quy hoạch điện VIII đang được Viện Năng lượng (đơn vị lập quy hoạch) phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện thuộc Viện Năng lượng, một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Quy hoạch cập nhật hướng đến tầm nhìn xanh trong quy hoạch điện lực quốc gia nhằm đạt mục tiêu net zero theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Ông Cường cho hay, với kịch bản net zero, cơ cấu nguồn điện thay đổi nhiều so với các kịch bản trước đó. Cụ thể, không thể xây thêm nguồn điện than mới (trừ nhà máy đang xây dựng), thậm chí nhà máy điện khí cũng hạn chế đến mức tối thiểu. Thay vào đó là xây dựng nhiều nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng và pin tích trữ.
Tỷ trọng công suất nguồn điện NLTT tăng dần. Nếu như năm 2020 là 25%, thì đến năm 2030 tăng lên 32% và lên 58% vào năm 2045. “Việc nâng tỷ trọng nguồn NLTT trong cơ cấu nguồn điện đồng nghĩa với gánh nặng đầu tư rất lớn”, ông Cường nhấn mạnh.
Cùng với phát triển nguồn điện, nhu cầu vốn đầu tư cho lưới truyền tải cũng rất lớn.
Theo tính toán của tư vấn lập Quy hoạch điện VIII, nếu đầu tư phát triển điện lực thông thường (nhiệt điện, thủy điện…) giai đoạn 2021 - 2045, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD đầu tư nguồn và lưới điện. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 đòi hỏi vốn đầu tư tăng 33%, tương ứng khoảng 532 tỷ USD (mỗi năm tăng 5 tỷ USD). Điều này có thể dẫn tới giá điện trung bình tăng tương ứng khoảng 30%.
Vốn đầu tư tăng mạnh vì điện mặt trời, điện gió là những nguồn điện gián đoạn do phụ thuộc thời tiết, nên cứ xây dựng 1 MW điện mặt trời thì phải xây thêm 1 MW pin lưu trữ để dự phòng những thời điểm nguồn điện này không khả dụng. Một điểm khác nữa, điện than có thể phát quanh năm với số giờ vận hành công suất cực đại (Tmax) là 6.000h, nhưng điện gió chỉ có Tmax là 3.000h…
Thu xếp vốn thế nào?
Nhu cầu vốn đầu tư NLTT rất lớn, cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư cho biết, việc thu xếp vốn, thu hút nhà đầu tư gặp không ít khó khăn.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực thuộc Bộ Công Thương cho hay, các dự án NLTT có nhu cầu vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu hơn so với đầu tư nguồn năng lượng truyền thống. Vì thế, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án này.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước xác nhận, hiện vốn cho vay các dự án NLTT còn khiêm tốn. Để hóa giải thách thức vốn đầu tư, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cần có chính sách đột phá trong việc khuyến khích, phát triển NLTT bền vững. “Có thể nghiên cứu thành lập Quỹ NLTT từ nguồn thuế thu từ NLTT, bổ sung nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ NLTT, tài trợ cho các dự án mới và làm tăng khả năng cạnh tranh”, vị đại diện này gợi ý.
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích đầu tư mạnh mẽ, hoàn thiện quy định về huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh khi Luật Bảo vệ môi trường đã có quy định về vấn đề này…
Dưới góc độ nhà đầu tư NLTT, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn T&T cho hay, để thu hút nhà đầu tư vào NLTT, cần tháo gỡ một số “điểm nghẽn”. Đó là nguồn NLTT tập trung chủ yếu ở các vùng phụ tải thấp; lưới điện chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển NLTT; cơ chế phát triển NLTT hiện chưa thông suốt, liên tục…
“Muốn tháo gỡ được điểm nghẽn này, cần phải xem việc thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng truyền tải là một trong những giải pháp đột phá. Cần sớm khơi thông dòng chảy cơ chế phát triển NLTT với hành lang pháp lý rõ ràng, liên tục với định hướng lâu dài để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, kinh doanh...”, bà Bình kiến nghị.
Để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện, Luật Điện lực (sửa đổi) có những sửa đổi theo hướng tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân phát triển lưới điện truyền tải. Đây là cơ hội thu hút nguồn lực phát triển điện lực, trong đó có NLTT.