Thách thức ngày càng lớn với điều hành chính sách tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước bài toán bất khả thi về tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh biến động nhanh, khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lựa chọn tăng lãi suất điều hành để ổn định tỷ giá. Động thái này hóa giải được áp lực giảm giá đồng nội tệ, giảm rủi ro nhập khẩu lạm phát.
Một loạt ngân hàng thương mại đã quyết định tăng lãi suất huy động từ ngày 23/9 với mức tăng từ 0,3 đến 1 điểm % tùy theo các kỳ hạn và phương thức gửi tiền. Ảnh: Lê Tiên
Một loạt ngân hàng thương mại đã quyết định tăng lãi suất huy động từ ngày 23/9 với mức tăng từ 0,3 đến 1 điểm % tùy theo các kỳ hạn và phương thức gửi tiền. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cao sẽ khiến doanh nghiệp và người dân càng khó tiếp cận tín dụng. Do đó, cần hành động nhanh và mạnh hơn nữa trong triển khai chính sách hỗ trợ, chú trọng bảo đảm thanh khoản trên thị trường...

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã có nhiều đợt tăng lãi suất nhanh và mạnh. Dự kiến đến cuối năm 2022, FED sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023. Cùng xu hướng, nhiều ngân hàng trung ương cũng tiếp tục tăng lãi suất điều hành. Theo NHNN, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).

Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD là TWD (-13,5 %), THB (-11,95%), JPY (-25,18%), KRW (-17,57%), PHP (-13,65%), MYR (-9,67%), INR (-7,44%), CNY (-10,9%), EUR (-13,49%), GBP (-20,02%). Trong khi đó, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với USD với chỉ khoảng 4%.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú:

NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát nhập khẩu. Để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN thành lập các đoàn kháo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các ngân hàng thương mại và các địa phương. Tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến áp lực lạm phát lớn với Việt Nam do kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương gần 190% GDP, các doanh nghiệp trong nước nhập siêu lớn khiến nguy cơ nhập khẩu lạm phát cao. Do đó, việc để cho VND mất giá sẽ tác động rất mạnh đến nhập khẩu và mặt bằng giá trong nước.

“Về nguyên lý kinh tế, không thể cùng lúc ổn định lãi suất và tỷ giá. Nếu tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất quá thấp và ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới thay đổi quá lớn thì sẽ tăng áp lực lên tỷ giá, gây những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Vì thế, NHNN thấy cần điều hành điều chỉnh lãi suất để hóa giải cú sốc kinh tế vĩ mô của thị trường toàn cầu, định hướng tâm lý kỳ vọng lạm phát theo mục tiêu của Chính phủ”, ông Quang cho biết.

Ngay sau động thái này của NHNN, một loạt ngân hàng thương mại đã quyết định tăng lãi suất huy động từ ngày 23/9 với mức tăng từ 0,3 đến 1 điểm % tùy theo các kỳ hạn và phương thức gửi tiền.

Lãi suất huy động tăng sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng, đồng thời, hạn mức tín dụng của các ngân hàng không còn nhiều nên doanh nghiệp và người dân càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội chia sẻ: “Các ngân hàng có xu hướng kén chọn hơn hẳn thời gian trước. So với trước đây, với quy mô và tính chất dự án tương đương, cán bộ tín dụng vẫn lắc đầu với lý do hạn mức tín dụng còn quá ít, rất thận trọng giải ngân”.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN là điều bắt buộc phải làm khi áp lực giảm giá VND quá lớn và có thể để lại nhiều hệ lụy đáng ngại cho kinh tế vĩ mô. “Công tác điều hành nên hướng tới chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Cơ quan điều hành cần tiếp tục thể hiện rõ định hướng điều hành để doanh nghiệp có thể nắm bắt và tính toán các kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ các nhóm đối tượng ưu tiên. Bên cạnh đó, cần điều phối thị trường ngoại hối, thị trường liên ngân hàng, thị trường mở hiệu quả để đảm bảo thanh khoản cho thị trường”, ông Linh nói.

Chuyên đề