Tạo lực hút đầu tư vào cụm công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP đang được Bộ Công Thương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Việc ban hành Nghị định kỳ vọng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quản lý, phát triển CCN hiện nay, góp phần tăng sức hút đầu tư vào các CCN.
Tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm. Ảnh: Lê Tiên
Tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp nhìn chung còn chậm. Ảnh: Lê Tiên

Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Quản lý CCN thuộc Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, việc quy hoạch, phát triển CCN thời gian qua đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình. Đến nay, các CCN trên cả nước thu hút được trên 13.000 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 759.600 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Các CCN còn góp phần tích cực trong việc di dời các DN, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quản lý, phát triển CCN còn một số khó khăn, tồn tại như: tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các CCN nhìn chung còn chậm; thu hút DN làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN tại nhiều địa phương, nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn; thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN ít được cải cách, gây mất thời gian, nguồn lực của DN...

Đề cập rõ hơn về hạn chế này, tại Dự thảo Tờ trình Nghị định, Bộ Công Thương cho biết, tổng hợp kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của các bộ, ngành liên quan, các địa phương cũng như ý kiến tại một số hội nghị tổ chức tháng 11/2022 cho thấy, thực tế công tác quản lý và phát triển CCN còn vướng mắc.

Nổi cộm là vướng mắc liên quan đến áp dụng pháp luật về đất đai; khó khăn trong việc xử lý chuyển giao các CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư, đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước sang DN làm chủ đầu tư do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể…

Nhiều cơ quan Trung ương và địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút DN đầu tư kinh doanh hạ tầng và DN thứ cấp đầu tư vào CCN...

Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá phàn nàn, việc quản lý, phát triển CCN vẫn còn một số bất cập liên quan đến quy hoạch.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ chế chính sách phát triển CCN chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án của các chủ đầu tư hạ tầng CCN…

Với một loạt hạn chế, vướng mắc trong quản lý, phát triển CCN nêu trên, tại Dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, từ đó tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển CCN một cách hiệu quả. “Việc ban hành Nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý thông suốt, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Dự thảo Nghị định đang được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các bên gồm 7 chương, 48 điều. Về cơ bản, Dự thảo Nghị định giữ nguyên các chương, điều như Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP, nhưng sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đề xuất các lĩnh vực, ngành, nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh được khuyến khích đầu tư, di dời vào CCN. Đó là các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đủ mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều địa phương đã gửi ý kiến đóng góp bày tỏ sự đồng tình, thống nhất với các nội dung trong Dự thảo Nghị định và đề nghị Bộ sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư