Tạo điều kiện cho TP.HCM tiếp cận vốn qua kênh trái phiếu quốc tế để phát triển mạng lưới metro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM rất lớn. Chỉ tính riêng hệ thống đường sắt đô thị (metro) đã cần hàng chục tỷ USD.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Cụ thể, Metro 1 (1,9 tỷ USD) về cơ bản đã hoàn thành; Metro 2 giai đoạn 1 (2 tỷ USD) và Metro 5 giai đoạn 1 (1,7 tỷ USD) đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ. Còn lại 9 dự án metro và 3 dự án đường sắt nhẹ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16 tỷ USD hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Thực tế, các dự án metro đã triển khai phụ thuộc vào vốn vay viện trợ nên TP.HCM gặp nhiều vướng mắc vượt quá thẩm quyền, khiến dự án kéo dài.

Theo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia, việc phát hành trái phiếu quốc tế là phương thức huy động vốn hiệu quả cho phát triển hạ tầng. Thành phố đang huy động vốn từ trái phiếu của chính quyền địa phương và thực sự chưa hiệu quả, chưa đủ để tập trung cho các dự án trọng điểm. Kinh nghiệm từ việc triển khai một số dự án sử dụng vốn vay ODA cũng cho thấy, do phụ thuộc vào nguồn kinh phí này, TP.HCM rất bị động trong triển khai dự án.

Để TP.HCM sớm tiếp cận được các nguồn vốn từ quốc tế, cần nhanh chóng hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm tài chính quốc tế của Thành phố. Đồng thời, cần sớm có cơ chế phát hành trái phiếu quốc tế cũng nhằm giúp TP.HCM có thể thu hút được cộng đồng nhà đầu tư quốc tế có tiềm lực. TP.HCM đủ hấp dẫn để tận dụng nguồn vốn vay quốc tế thương mại phục vụ phát triển các dự án hạ tầng.

Ngoài ra, những kết quả thí điểm Thành phố đạt được còn là cơ sở để Chính phủ, Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM, tạo điều kiện đồng bộ mạng lưới metro trong thời gian tới.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư