Tăng trưởng xanh: Thời cơ và thách thức

(BĐT) - Sản xuất xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp với xu thế phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn..., đây sẽ là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Việc xanh hóa quy trình sản xuất sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên
Việc xanh hóa quy trình sản xuất sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên

Cần cụ thể hóa quy trình sản xuất xanh trong các tiêu chí mời thầu

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, để xanh hóa quy trình sản xuất, cần phải quan tâm 2 nhóm yếu tố là vật liệu xây dựng đầu vào của công trình và quá trình tổ chức thi công. Theo đó, cần phải khuyến khích sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường như gạch không nung, sắt thép, cát sạch… Trong quá trình thi công, nhà thầu phải chú trọng huy động các loại máy móc, thiết bị sử dụng năng lượng sạch, sử dụng điện, giảm thiểu máy móc, dây chuyền thi công lạc hậu, phát thải nhiều khí carbon ra môi trường.

Tuy nhiên, việc sử dụng các vật liệu sạch và triển khai quy trình sản xuất xanh sẽ phát sinh thêm gánh nặng chi phí cho nhà thầu. Nếu không có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và bắt buộc áp dụng, nhiều nhà thầu sẽ không lựa chọn. Hơn nữa, đặc thù của các nhà thầu xây dựng là phải thi công theo thiết kế được duyệt, nếu biện pháp thi công của nhà thầu hướng tới các tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường (như dùng lưới kỹ thuật để trồng cỏ thay vì lát bê tông, xi măng ở dưới) nhưng không đúng thiết kế ban đầu thì sẽ không được nghiệm thu, thanh toán. Do đó, muốn thúc đẩy quy trình sản xuất xanh trong ngành xây dựng, Nhà nước phải có chủ trương, có cơ chế khuyến khích và giao chủ đầu tư cụ thể hóa quy trình sản xuất xanh thành các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Ngay từ khâu thiết kế cơ sở phải đề xuất công trình áp dụng các tiêu chí xanh, sử dụng vật liệu xanh, quá trình thi công phải áp dụng các biện pháp để đảm bảo tiêu chí xanh và thân thiện với môi trường, nhà thầu làm đến đâu phải xanh hóa không gian thi công đến đó, giảm thiểu tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công thì công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng mới được xã hội và người dân đón nhận, ủng hộ.

Xanh hóa quy trình sản xuất trở thành nhu cầu tự thân của nhiều DN

Ông Nguyễn Phương Quý, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Môi trường SFC

Xanh hóa quy trình sản xuất, hướng tới tăng trưởng bền vững là rất quan trọng cho tương lai của hành tinh chúng ta. Là doanh nghiệp nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước thải, chúng tôi rất vui mừng vì xanh hóa nay đã trở thành nhu cầu tự thân của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Xanh hóa không có nghĩa là phải thay đổi dây chuyền sản xuất, nhiều khi chỉ cần doanh nghiệp có ý thức về việc áp dụng thêm các tiêu chí xanh trong chuỗi hoạt động của mình, điều chỉnh cách vận hành sản xuất, tăng tái sử dụng nguyên vật liệu, nước thải. Trong nhiều trường hợp, việc xanh hóa còn mang lại hiệu quả kinh tế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc doanh nghiệp áp dụng các công nghệ để tái sử dụng nước thải sau xử lý có chi phí thấp hơn nhiều so với sử dụng nước sạch.

Theo tôi, thách thức đáng kể nhất hiện nay trong việc chuyển đổi và áp dụng các tiêu chí xanh đối với quy trình sản xuất của mỗi doanh nghiệp chính là thay đổi thói quen và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vốn và công nghệ cũng là thách thức lớn khi cần phải thay đổi cả dây chuyền sản xuất để đáp ứng và ứng dụng các tiêu chí xanh trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong một số lĩnh vực như sản xuất tại làng nghề truyền thống, để chuyển đổi cả dây chuyền sản xuất lạc hậu, cũ kỹ với tư duy cố hữu sẽ khó khăn về vấn đề vốn, mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, khi xanh hóa đã trở thành nhu cầu của mọi ngành kinh tế thì việc doanh nghiệp sớm đầu tư cho sản xuất xanh sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn trong tương lai. Đây cũng là cơ hội phát triển tốt cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ môi trường.

Để phát triển ngành công nghiệp xanh, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là cho một số ngành kinh tế, hoặc một số thành phần kinh tế cần phải có công nghệ mới và vốn đầu tư.

Doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cần hướng tới tiêu chí xanh, bền vững

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Việt Nam

Việt Nam hiện ở thời điểm cần ưu tiên mạnh mẽ cho phát triển bền vững vì đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tập đoàn quốc tế. Đơn cử, hiện nay, các hãng tàu lớn trên thế giới đều xem Việt Nam là điểm dừng. Nếu như thời điểm 15 năm trước, Việt Nam không có dịch vụ trực tiếp đến châu Âu, châu Mỹ, thì hiện nay đã có hơn 200 tuyến đường cho thấy Chính phủ đang chung tay với khối doanh nghiệp để logistics phát triển hơn.

Để cạnh tranh với các doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội vàng từ cuộc cách mạng chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tăng cường năng lực quản trị, đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao để tránh thâm dụng lao động là lối đi lâu bền cho mọi doanh nghiệp. Ngành logistics toàn cầu đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ và Việt Nam cần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Việc trở thành đối tác hàng đầu của các tập đoàn logistics khi vào thị trường Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận sớm với các giá trị bền vững, phát triển theo xu hướng xanh một cách hiệu quả.

Xanh hóa sản xuất mở ra nhiều cơ hội phát triển

Ông Lưu Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng

Hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại tỉnh Bình Dương đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức, tư duy về sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhằm hướng tới mục tiêu thân thiện với môi trường.

Chưa bao giờ vấn đề đổi mới công nghệ lại trở nên quan trọng, cấp bách như hiện nay. Tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh nên doanh nghiệp cần thích ứng liên tục để đưa ra các giải pháp tốt trong sản xuất nếu không muốn đứng ngoài cuộc và bị đào thải. Tuy nhiên, việc chuyển đổi theo xu thế tăng trưởng xanh của doanh nghiệp đang cần thêm các chính sách hỗ trợ. Đơn cử, trên thực tế, các chính sách khuyến công đang phát huy hiệu quả và đóng vai trò đặc biệt quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ. Trước sự cạnh tranh khốc liệt và thay đổi nhanh chóng theo xu thế tăng trưởng xanh, khi thực thi chính sách khuyến công, cần tìm doanh nghiệp có triển vọng phát triển để hỗ trợ đổi mới công nghệ. Khi có sự hỗ trợ nguồn lực từ chính sách khuyến công và các quỹ đầu tư phát triển, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ củng cố thêm quyết tâm, đồng lòng đổi mới công nghệ và tạo ra không gian phát triển mới.

Công ty TNHH Công nghiệp Nghệ Năng cung cấp dịch vụ tư vấn giải pháp, thiết kế, sản xuất và thi công hệ thống thông gió, hệ thống làm mát, điều hòa, xử lý khói, bụi cho công trình nhà máy, xưởng sản xuất công nghiệp thông qua giải pháp công nghệ hiện đại, thông minh, tiết kiệm năng lượng. Nghệ Năng đang trên đường trở thành thương hiệu vì môi trường hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2023, tại Bình Dương ghi nhận nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho đổi mới công nghệ, theo xu hướng tiết kiệm năng lượng, sản xuất xanh. Minh chứng cụ thể là chúng tôi nhận được không ít hợp đồng lớn cung cấp giải pháp và thi công hệ thống thông gió, làm mát cho nhà xưởng công nghiệp theo xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0, tự động hóa điều khiển hệ thống. Điều này cho thấy sự chuyển biến đáng kể trong tư duy và thích ứng trước yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.

Xu hướng xanh hóa sản xuất đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Nghệ Năng nói riêng. Chúng tôi định hướng 5 năm tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ 4.0 vào các khâu tư vấn, thiết kế, sản xuất và cung cấp các giải pháp điều hòa không khí công nghiệp. Chắc chắn sự thay đổi lớn, nhanh sẽ góp phần phát triển nền sản xuất công nghiệp Việt Nam thích ứng với tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường.

Xanh hóa sản xuất không thể nói chung chung mà phải định lượng rõ ràng

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC)

Việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tạo được nền tảng vững chắc ở các thị trường lớn, FMC đang không ngừng nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh bằng việc mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.

Hiện nay, xu hướng sử dụng thủy sản trên thế giới yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh với thủy sản nuôi trồng có kiểm soát, giảm khai thác để phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Để đẩy mạnh tham gia thị trường châu Âu (EU và Anh), bên cạnh việc tập trung mọi nguồn lực nâng cao hiệu quả triển khai chương trình sản xuất sạch, FMC còn nỗ lực sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện, nước; tận dụng phụ phẩm cá, tôm làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích; sử dụng năng lượng sạch; phấn đấu đạt chỉ tiêu sử dụng 30% bao bì từ nguyên liệu tái chế, không gây ảnh hưởng môi trường...

Xanh hóa sản xuất không thể nói chung chung mà phải định lượng rõ ràng và nhất là có bên thứ ba chứng nhận. Hiện nay, FMC là thành viên của The PAN Group, nơi các công ty thành viên và chuyên gia hàng đầu cùng tham vấn, nâng cao hơn ý thức cũng như hiểu biết, kinh nghiệm để chung tay thực hiện các nội dung của ESG (tập hợp tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến sự phát triển bền vững, định hướng tương lai và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng).

Thách thức với tăng trưởng xanh khu vực miền Trung

Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc Quản lý các chương trình, dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam

Khu vực miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong tăng trưởng xanh, đó là biến đổi khí hậu sẽ đẩy mực nước biển dâng cao, những cơn bão mạnh hơn, lượng mưa thất thường hơn. Các thành phố trong khu vực hứng chịu nhiều trận lũ, hạn hán, trong khi người dân sống dọc theo bờ biển phải đối mặt với sạt lở và nhiễm mặn. Trong tương lai, biến đổi khí hậu sẽ còn phức tạp và gia tăng tổn thất. Do đó, đầu tư các công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu là cấp bách và hết sức cần thiết để có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp trước mắt và ngày càng tồi tệ hơn. Nếu khu vực này trì hoãn 10 năm nữa thì sẽ tổn thất thêm 4,3 tỷ USD tăng trưởng kinh tế từ các cú sốc tự nhiên.

Một chương trình hành động cũng như một chương trình đầu tư quốc gia là rất cần thiết để xử lý những rủi ro này, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy vùng duyên hải miền Trung phát triển. Lưu ý, những khoản đầu tư này phải mang tính khu vực, cả vùng chứ không phải khu biệt địa phương bởi rất khó để xử lý vấn đề toàn vùng khi chỉ đầu tư vào một tỉnh. Chẳng hạn, Đà Nẵng không thể quản lý lũ theo mùa mà không phối hợp với các tỉnh xung quanh trong quản lý các đường phân nước là những cánh rừng tự nhiên. Những khoản đầu tư như vậy cũng phải có tính bền bỉ, chống chịu cao về mặt khí hậu. Hiện nay, định mức chi phí Bộ Xây dựng đưa ra cho đầu tư kết cấu hạ tầng chưa tương xứng với mức cần phải có để những công trình này không bị xói mòn, rửa trôi, sụp đổ theo các sườn đồi, ven sông, ven biển khi thiên tai xảy ra.

Đối với mục tiêu khử carbon, phi carbon hoá, theo quan sát, song song với quá trình phát triển kinh tế, lượng carbon vẫn gia tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến chuyển đổi xanh để không ảnh hưởng, gia tăng biến đổi khí hậu. Trước đây, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam thiên về sử dụng nhiều tài nguyên nên đã đạt được mức thu nhập hiện tại. Nhưng về lâu dài không thể duy trì mô hình phát triển đó trong một thế giới biến đổi khí hậu nhanh chóng. Việc giảm lượng khí thải carbon trong hàng xuất khẩu sẽ đảm bảo hàng xuất khẩu của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp khu vực miền Trung phải xem xét đưa phát thải trong quy trình sản xuất về 0, sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió; ngành du lịch phải tiếp cận với năng lượng tái tạo và quản lý chất thải rắn bền vững để có thể tiếp tục thu hút khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường…

Chuyên đề