Nhân rộng giải pháp đổi mới sáng tạo hữu ích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những giải pháp công nghệ thiết thực, hữu ích trong các lĩnh vực của đời sống như tiết kiệm năng lượng, thương mại điện tử, quản trị doanh nghiệp, tự động hóa… đang góp phần thúc đẩy động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), rất cần được lan tỏa, nhân rộng để đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vinh danh các doanh nghiệp có giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trương Gia
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vinh danh các doanh nghiệp có giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023. Ảnh: Trương Gia

Doanh nghiệp Việt sáng tạo công nghệ Việt

Cộng hưởng với các chương trình, hoạt động đang triển khai nhằm tạo sự đột phá trong phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và ĐMST, mới đây, Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp với Tập đoàn Meta vinh danh các giải pháp công nghệ xuất sắc góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp (DN).

Giải pháp tiết kiệm năng lượng - Benkon của Công ty CP BenKon được vinh danh trong top 12 giải pháp ĐMST Việt Nam 2023 sau khi vượt qua hàng trăm giải pháp đến từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tại Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam do Bộ KH&ĐT và Tập đoàn Meta tổ chức.

Benkon là giải pháp phần mềm giúp tiết kiệm năng lượng và tối ưu nguồn lực quản lý máy lạnh cho DN dựa trên dữ liệu thu thập, qua đó giúp DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Bùi Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP BenKon cho biết, đây sẽ là “đòn bẩy” để Công ty thêm động lực tiếp tục thúc đẩy ĐMST, qua đó giúp DN tiết kiệm thêm chi phí thông qua việc áp dụng giải pháp công nghệ để quản lý hệ thống điều hòa hiệu quả hơn.

Về khởi nguồn của giải pháp Benkon, ông Dũng cho hay, ý tưởng được nảy nở khi quan sát thấy hệ thống máy điều hòa trong nhà xưởng của các DN, cửa hàng tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở khu vực này chưa được nhiều DN chú ý. “Chúng tôi quyết định tạo ra giải pháp công nghệ giúp các DN quản lý hệ thống điều hòa tốt hơn thông qua cung cấp thông tin về năng lượng tiêu thụ, tương quan nhiệt độ trong và ngoài, các thói quen sử dụng… để tăng nhận thức về tiết kiệm năng lượng cho người dùng. Với dữ liệu thu thập được, Benkon có thể thông báo chính xác khi nào máy điều hoà cần được bảo trì và sửa chữa, tránh những hư hỏng và lãng phí không cần thiết”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, khi áp dụng giải pháp công nghệ này, với mỗi máy lạnh được triển khai, Benkon giúp tiết kiệm chi phí từ 25 - 30% năng lượng tiêu tốn cho máy mỗi tháng.

Khác với BenKon, Công ty CP Khoa học dữ liệu được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Đón đầu xu thế với giải pháp nền tảng số phân tích dữ liệu thương mại điện tử dành cho DN - Metric.

Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Khoa học dữ liệu cho hay, giải pháp này giúp DN tự tin hơn trong việc ra quyết định kinh doanh. Cụ thể, thông qua nền tảng phân tích dữ liệu ngành hàng, Metric tạo ra báo cáo phân tích dữ liệu thị trường chỉ trong 30 giây, giúp việc thực thi và ra quyết định kinh doanh nhanh chóng. Ngoài thống kê thị trường theo doanh số, sản lượng, ngành hàng, phân khúc giá, thương hiệu..., DN có thể dễ dàng tìm kiếm và đánh giá được hành động của đối thủ trên thị trường để điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Nhiều giải pháp ĐMST hữu ích khác như: Giải pháp nền tảng chuyển đổi số - oneSME của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được vinh danh ở Giải thưởng ĐMST kỹ thuật số; Giải pháp tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA) của Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT được vinh danh ở Giải thưởng Ngôi sao ĐMST... Nhờ tính ứng dụng cao, đến nay, những giải pháp này đang đi vào cuộc sống và ngày càng được khách hàng tin tưởng, sử dụng.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, đây là những kết quả hết sức tích cực, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng công nghệ đối với những vấn đề, thách thức lớn của xã hội, cho thấy nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt là vô cùng lớn và rất đáng tự hào.

Thêm “bệ phóng” thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững, thời gian qua, Đảng và Nhà nước xác định khoa học công nghệ, ĐMST là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này buộc Việt Nam phải thích nghi, hành động mạnh mẽ hơn để biến thách thức thành cơ hội nhằm bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là khoa học công nghệ và ĐMST.

Để ĐMST đi vào thực chất, hiệu quả, có sức lan tỏa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngoài sự chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, sự tham gia của các DN, thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã đề xuất nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ để khai thác động lực tăng trưởng mới này. Đặc biệt, cuối tháng 10/2023, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì tổ chức Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam 2023, đồng thời khánh thành cơ sở của Trung tâm ĐMST quốc gia tại Hòa Lạc. Đây sẽ là cơ hội để các startup Việt Nam tham gia giới thiệu giải pháp, công nghệ và các sản phẩm ĐMST tiêu biểu, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của giải pháp công nghệ tầm cỡ thế giới.

Ông Simon Milner, Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta mong muốn những giải pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi, tạo ra nhiều giá trị hơn và giúp định hình hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam.

Cùng với đó, ông Simon Milner nhìn nhận, Chương trình Thách thức ĐMST hàng năm trong tương lai sẽ đóng vai trò là chất xúc tác tiếp thêm sinh lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của hơn 800.000 DN vừa và nhỏ trên khắp Việt Nam.

Đại diện Công ty CP BenKon mong mỏi, sau Chương trình Thách thức ĐMST Việt Nam 2023, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ, tạo điều kiện để đưa ra những giải pháp sáng tạo tốt hơn. “Là DN startup, chúng tôi mang trong mình khát vọng khởi nghiệp ĐMST rất mãnh liệt. Để phát triển, chúng tôi muốn được kết nối nhiều hơn với các tập đoàn kinh tế lớn và mong họ nhìn nhận các đơn vị startup như một mảng còn thiếu trong bức tranh phát triển nhằm tạo động lực thúc đẩy ĐMST Việt Nam”, ông Bùi Tiến Dũng bày tỏ.

Chuyên đề