Tăng tốc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi phải đối mặt với thách thức làm sao để mua đủ vắc-xin phòng Covid-19 nhằm triển khai tiêm trên diện rộng cho người dân trong thời gian tới, Việt Nam còn đứng trước một thách thức khác là làm sao để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trước khi vắc-xin hết hạn sử dụng, đồng thời sớm kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Ảnh Lê Tiên
Nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Ảnh Lê Tiên

Điều chuyển vắc xin nếu không triển khai kịp

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 16/6/2021, Bộ đã phân bổ 288.100 liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca cho các tỉnh, thành phố đang có dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM. Hiện cả nước có gần 1,65 triệu người đã được tiêm thuộc các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và nhóm đối tượng công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Với tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay (100.000 mũi/ngày), có ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ phải mất tới 2 năm để tiêm xong mũi thứ nhất cho hơn 70 triệu người.

Trong khi đó, theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thời hạn sử dụng vắc-xin Covid-19 là rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng. Trong đó, thời gian vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam đã mất khoảng 2 tháng, nên chỉ còn 3 - 4 tháng để triển khai tiêm.

Thực tế, tại Mỹ, trước nguy cơ phải hủy bỏ một số lượng lớn vắc-xin của hãng ược phẩm Johnson & Johnson do sắp hết hạn sử dụng (thời hạn sử dụng là 3 tháng), Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép kéo dài thời hạn sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng này thêm 6 tuần nhằm duy trì nguồn cung vắc-xin.

Trên thế giới, các quốc gia đang chạy đua, cạnh tranh để có được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhanh nhất. Thực tế cho thấy, nước nào có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng sớm thì càng có lợi thế lớn về năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, mở cửa giao thương, lưu thông hàng hóa.

Nhận thức được điều này, cùng với nỗ lực tìm kiếm các nguồn vắc-xin phòng Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương cân đối, cấp bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 cho các địa phương có dịch là Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Trong tháng 6/2021, Bộ Y tế phải ban hành bổ sung các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, Bộ Y tế vừa gửi các công văn hỏa tốc tới Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia - DATCMR (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), các viện Pasteur, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, DATCMR phải thực hiện phân bổ ngay vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị để tổ chức tiêm chủng hoàn thành trước ngày 18/6/2021.

Bộ Y tế yêu cầu các viện Pasteur chủ động điều phối vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị theo quy định mà không cần yêu cầu các đơn vị gửi công văn đề nghị cho Bộ Y tế trước khi điều chuyển.

Tại công văn hỏa tốc gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện huy động toàn bộ lực lượng y tế và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ tổ chức tiêm ngay vắc-xin Covid-19 trên địa bàn. Việc huy động lực lượng hỗ trợ cần hoàn thành trước ngày 18/6/2021 để bảo đảm an toàn và đúng tiến độ đề ra. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức tiêm ngay vắc-xin Covid-19 trên địa bàn đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng độ bao phủ tiêm chủng; huy động các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm, đảm bảo tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Bộ Y tế cũng lưu ý, với trường hợp không triển khai kịp thì phối hợp với sở y tế các tỉnh, thành phố để thực hiện việc điều chuyển vắc-xin Covid-19 cho các đơn vị, địa phương khác và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng theo quy định).

“Đây là nhiệm vụ cấp bách, đề nghị các viện tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ Y tế”, Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký nêu rõ.

Về tình hình mua sắm và tiếp nhận vắc-xin phòng Covid-19, tính đến ngày 17/6/2021, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 trong năm 2021 từ các hãng AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế COVAX.

Trước đó, Việt Nam đã nhận gần 3 triệu liều vắc-xin AstraZeneca (trong đó có 2 lô gồm 811.200 liều vào ngày 1/4/2021 và 1.682.400 liều từ Cơ chế COVAX vào ngày 16/5/2021).

Mới đây nhất, Chính phủ đồng ý mua lại lô 288.100 liều vắc-xin AZD1222 AstraZeneca của Công ty CP Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã về đến Việt Nam ngày 25/5/2021 theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.

Huy động tổng lực, đẩy nhanh tiến độ

Mới đây nhất, sau khi được vận chuyển về đến Việt Nam vào tối ngày 16/6/2021, lô vắc-xin phòng Covid-19 gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản trao tặng Việt Nam đã được chuyển tới TP.HCM trong sáng ngày 17/6/2021.

Trước đó, Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch và các phương án chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng 800.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn Thành phố với thời gian từ 5 - 7 ngày. Ngoài các đối tượng thuộc diện ưu tiên theo Nghị quyết 21, Thành phố dự kiến bổ sung các đối tượng là người trên 65 tuổi và nhóm đối tượng công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tổng số lượng tiêm là khoảng 1 triệu người. TP.HCM dự kiến huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn TP.HCM, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế… Mục tiêu là toàn Thành phố có khoảng 1.000 điểm tiêm chủng tại các trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày (mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày).

Trong các buổi làm việc trực tiếp với TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã giao thời hạn hoàn thành lập danh sách đối tượng tiêm chủng cho Lãnh đạo Thành phố là trong ngày 18/6/2021. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia từ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế luôn túc trực, đồng hành giúp Thành phố hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng cũng như triển khai thành công kế hoạch theo đúng tiến độ đề ra.

Trở lại với “điểm nóng” dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong hơn 1 tháng qua, đến nay, Bắc Giang đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã được rút về. Mặc dù số ca mắc bệnh vẫn đang tăng, nhưng đa số đều tập trung ở trong các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. Địa phương này đặt mục tiêu đến ngày 21/6/2021 sẽ cơ bản không còn trường hợp lây nhiễm mới; đến ngày 1/7/2021, toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội trong Tỉnh sẽ trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo đánh giá của đại diện Sở Y tế Bắc Giang, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giúp Tỉnh kiểm soát dịch bệnh và sớm khởi động lại hoạt động sản xuất, kinh doanh là nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin. Tỉnh đã hoàn thành tiêm 150.000 liều vắc-xin trong 5 ngày cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đối tượng công nhân đồng loạt trên 10 huyện, thành phố trên địa bàn Tỉnh (sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch).

Ngoài những vướng mắc và lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của các cơ quan, đơn vị, thì một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chậm chễ trong tiêm chủng mở rộng là do một bộ phận người dân vẫn còn có tâm lý lo lắng và e ngại.

Theo GS.TS Đặng Đức Anh, vắc-xin phòng Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là "vũ khí" để chấm dứt đại dịch Covid-19. Việc tiêm phòng vắc-xin sẽ giúp giảm số người nhiễm vi rút, giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong. Không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm, việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc-xin, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70 - 85% thì mới có thể tạo miễn dịch cộng đồng, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề