Tận dụng tối đa dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo rơi vào suy thoái, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2020, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đi được nửa chặng đường với những điểm sáng, duy trì được đà tăng trưởng dương.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

So với mục tiêu đặt ra, nhiều khả năng tăng trưởng của cả năm sẽ không đạt được, song kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan trong năm nay.

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia từ đầu năm 2020 đến nay. Trong bối cảnh đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý II/2020 ước tính tăng 0,36%.

Mặc dù 1,81% là mức tăng thấp nhất của 6 tháng so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng đây lại là kết quả tích cực ghi nhận sự thắng lợi Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm; từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung (1,81%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê đánh giá, so với các nước trong khu vực và thế giới, con số 1,81% của tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 vẫn là mức khá. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Phân tích thêm về mức tăng trưởng này, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 còn thấp hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đã đưa ra, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng 6,8% của năm. Với kết quả này, để giữ được mục tiêu tăng trưởng 6,8% thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 2 quý còn lại của năm sẽ phải đạt trên 10%/quý. “Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là “bất khả thi” trong bối cảnh tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn khó lường” - ông Hùng nhận định.

Tuy vậy, ông Hùng dự báo, kinh tế Việt Nam trong 2 quý còn lại sẽ khả quan hơn nhờ nhiều yếu tố. Thứ nhất, đầu tư công của Việt Nam còn nhiều dư địa trong giải ngân, nếu giải ngân được hết số vốn đầu tư công của năm 2020 thì sẽ đóng góp một phần lớn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thứ hai, dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng rất thấp trong khi mục tiêu là 13 - 14%, do đó còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm. Thứ ba, qua điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì có tới 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định trong quý III/2020…

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, vốn đầu tư công có tác động tích cực tới ngành xây dựng và tăng trưởng GDP. Khi giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm % và đóng góp cho tăng trưởng GDP khoảng 0,06 điểm %. Do vậy, nếu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm % tăng trưởng. 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt trên 33% kế hoạch, vẫn còn 2/3 lượng vốn này để tăng trưởng GDP có thể đạt mức khả quan nhất.

Bà Hương cho biết, cần phải dựa vào nội lực sản xuất (từ phía cung), đẩy mạnh đầu tư công và kêu gọi được các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (từ phía cầu)... Đây sẽ là nguồn quan trọng để tự tích lũy, tự nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Theo đó, những ngành cần tập trung thúc đẩy để giúp tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả tích cực nhất đó chính là: ngành nông nghiệp khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và lao động; ngành thủy sản. Đối với công nghiệp, phải lựa chọn những ngành sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu trong nước như: chế biến nguyên liệu, sản phẩm nông sản, dệt may, da giày sử dụng nguyên liệu trong nước... Đẩy mạnh một số ngành dịch vụ, du lịch, ngành phục vụ cho cá nhân, cộng đồng trong thời gian tới.

Chuyên đề