Tận dụng cơ hội cho tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, đã có một số dự báo khả quan về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I năm nay dựa trên các diễn biến tích cực từ khả năng kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hồi phục. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức với nền kinh tế trong giai đoạn tới, đặc biệt cần các giải pháp phù hợp để đặt nền móng cho sự phát triển bền vững.
Sức cầu nội địa đã tăng trong 2 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục cải thiện trong tháng 3 cũng như những tháng tiếp theo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ảnh: Phú An
Sức cầu nội địa đã tăng trong 2 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục cải thiện trong tháng 3 cũng như những tháng tiếp theo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ảnh: Phú An

Báo cáo nghiên cứu vĩ mô mới công bố của Công ty Chứng khoán VCBS đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý I có thể đạt mức từ 5 - 5,5%. Theo nhận định của VCBS, các yếu tố hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế là: hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp các khó khăn do chi phí vận tải tăng; cầu tiêu dùng dự báo hồi phục và tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó là tác động tích cực từ việc tăng cường vai trò của đầu tư công nhằm thúc đẩy tư nhân tham gia theo hướng đầu tư tập trung có trọng điểm vào một số dự án hạ tầng điển hình.

Cùng quan điểm, Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP quý I sẽ ở mức từ 4,7 - 5% bởi một số lý do. Trước hết, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Đồng thời, nhu cầu toàn cầu cải thiện nhờ niềm hy vọng đến từ việc tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn thế giới. Hơn nữa, Chính phủ đã kịp thời kiểm soát dịch bệnh bùng phát để giảm thiểu rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế.

Tương tự, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VDSC ước tính GDP quý I/2021 tăng khoảng 4,7 - 5%. Theo VDSC, trong 2 tháng đầu năm 2021, diễn biến các chỉ số kinh tế cho thấy một số tín hiệu tích cực bất chấp đợt bùng phát Covid-19 mới nhất diễn ra vào cuối tháng 1. Trong đó, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường trong thời gian bùng phát dịch bệnh; nhu cầu toàn cầu được cải thiện; kiểm soát kịp thời sự bùng phát của dịch Covid-19.

Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá cao nỗ lực vượt khó của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. IMF cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp kinh tế vĩ mô phù hợp, đồng thời, tiếp tục thực hiện các cuộc cải cách có tính quyết định để phát huy tiềm năng của đất nước trong giai đoạn “bình thường mới”.

Trong đó, ưu tiên đầu tiên là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Các cuộc cải cách cần hướng tới việc đơn giản hóa và giảm các gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), tăng khả năng tiếp cận nguồn lực đất đai và tài chính…

Bình luận về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam cho rằng, triển vọng tăng trưởng GDP quý I khả quan hơn và cả năm có thể đạt mục tiêu Chính phủ đưa ra nhưng song hành với đó còn nhiều thách thức.

Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng là sức cầu. Số liệu 2 tháng đầu năm cho thấy, lực cầu từ bên ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khả quan và dự báo sẽ tiếp tục tăng tốt. Trong nước, các số liệu cũng cho thấy sức cầu nội địa đã tăng trong 2 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục cải thiện trong tháng 3 cũng như những tháng tiếp theo nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Như vậy, cả về mặt số liệu thống kê và dự báo đều cho thấy sự phục hồi của sức cầu, nhờ đó tổng cầu vẫn sẽ tăng nhưng tốc độ và mức độ tăng có bền vững không thì vẫn cần phải theo dõi.

Ông Bình cho rằng, nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 vẫn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, còn những thách thức khác, chẳng hạn “rủi ro vuột mất cơ hội”. Ví dụ, Covid-19 là thời điểm rất tốt để thúc đẩy kinh tế số mạnh mẽ hoặc đẩy mạnh vị thế của hàng hóa Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà nếu không tận dụng được thì sẽ qua đi.

“Những thách thức như vậy có thể không tác động quá lớn hay ngay lập tức với nền kinh tế trong năm nay nhưng trong trung và dài hạn chắc chắn là thách thức lớn phải vượt qua để giúp nâng cao sức cạnh tranh, vượt qua được nhóm nước có thu nhập trung bình. Vì thế, không nên chỉ nhìn vào tăng trưởng ngắn hạn mà cần tìm ra và giải quyết thực chất các thách thức để đặt được nền móng cho sự phát triển bền vững hơn trong những năm tới”, ông Bình nhấn mạnh.

Chuyên đề