Đẩy nhanh tiến trình phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Nhã Chi
Nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Ảnh: Nhã Chi

Kỳ vọng phục hồi tốt, nhưng khó khăn còn nhiều

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mặc dù tháng 2/2021 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy một số chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt cao hơn so với trung bình các tháng Tết giai đoạn 2016 - 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này phần nào đã phản ánh niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân, đăng ký tăng vốn cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt sau tác động của đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá mới nhất của Nikkei Asia, Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, tính chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 2 tháng năm 2021 vẫn phản ánh tác động dai dẳng, lâu dài của dịch bệnh Covid-19. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Các ngành chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 như dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch… vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính chung 2 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao… Việc hủy, hoãn tour du lịch do dịch Covid-19 diễn ra trong bối cảnh thị trường cao điểm Tết khiến doanh nghiệp du lịch và vận tải rơi vào tình thế khó khăn, phải hoàn lại tiền đặt cọc hoặc dời ngày khởi hành vô thời hạn cho khách hàng nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ...

Sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2

Trước đó, tại phiên họp tháng 1/2021, Bộ KH&ĐT đã đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Nếu dịch Covid-19 được khống chế trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% thì quý II cần đạt 7,11%, quý III tăng 6,73% và quý IV tăng 7,04%.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”. Tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I, là tháng phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý I, tạo đà cho các quý tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị nhiều giải pháp, nhiệm vụ. Trong đó cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát; trập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thị trường trong nước. Cùng với đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu trên cơ sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường đối tác.

Đẩy mạnh thu hút hiệu quả, có chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài cũng là nhiệm vụ quan trọng, trong đó Bộ KH&ĐT nhấn mạnh đến việc phải chủ động rà soát kỹ hoạt động mua bán, sáp nhập, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội để vừa bảo đảm điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng đầu tư để tránh thuế, ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ, minh bạch, công bằng, nhất là các quy định để khắc phục tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng.

Tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ khẳng định lại mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó.

Chuyên đề