Tài sản đặc thù cần cơ chế đấu giá đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu giá tài sản (ĐGTS) là hoạt động có phạm vi rộng, liên quan tới đa dạng các loại tài sản thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành. Trong khi đó, pháp luật về ĐGTS hiện chỉ quy định trình tự, thủ tục áp dụng chung cho tất cả các loại tài sản được đưa ra bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Theo các chuyên gia, đây là bất cập cần được tháo gỡ bằng cách bổ sung quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung Điều 59a quy định đấu giá đối với một số tài sản đặc thù. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã bổ sung Điều 59a quy định đấu giá đối với một số tài sản đặc thù. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Đấu giá tài sản thi hành án dân sự: Vướng mắc từ thực tế

Bộ Tư pháp đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 điều trên tổng số 79 điều của Luật ĐGTS hiện hành. Một trong những chính sách được định hướng bổ sung là quy định đấu giá đối với một số tài sản đặc thù (bổ sung Điều 59a trong Dự thảo Luật).

Theo ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp, Luật ĐGTS chưa có quy định thủ tục riêng cho việc ĐGTS THADS. ĐGTS THADS là việc bán đấu giá mang tính bắt buộc (còn gọi là đấu giá “cưỡng bức”). Để đưa tài sản THADS ra bán đấu giá, thời gian kéo dài từ lúc kê biên, thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tiến hành thẩm định giá, thẩm định giá lại, thỏa thuận, lựa chọn tổ chức ĐGTS, ký hợp đồng bán đấu giá, bán đấu giá không thành thì giảm giá tài sản để tiếp tục bán. Mỗi hành vi trên của chấp hành viên, của các tổ chức, cơ quan đều có thể bị người có tài sản khiếu nại, tố cáo và đương nhiên có khiếu nại, tố cáo thì phải giải quyết, mất rất nhiều thời gian.

Chưa kể, khi bán tài sản thông thường thì người có tài sản bao giờ cũng tìm cách giới thiệu, quảng bá… để nâng giá trị của tài sản lên cao nhất có thể. Trong khi đó, với tài sản THADS, người phải thi hành án (thậm chí người thân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) tìm cách không cho xem, không hợp tác với các cơ quan chức năng để quảng bá, giới thiệu tài sản (có trường hợp người muốn mua tài sản THADS còn bị xua đuổi, đe dọa, hành hung...) làm cho không phản ánh được giá trị đích thực của tài sản. Nhiều trường hợp do sợ rủi ro khi mua tài sản THADS (vì khó khăn từ việc chống đối quyết liệt của người phải thi hành án), tài sản đưa ra bán đến lần thứ 17, kéo dài nhiều năm vẫn chưa có người mua.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trên, ông Thái cho rằng, khi sửa Luật ĐGTS cần nghiên cứu các cơ chế đặc thù về trình tự, thủ tục ĐGTS THADS trong Luật ĐGTS. Cùng với đó, tiến tới sửa đổi các quy định của Luật THADS để đảm bảo tính đồng bộ trong việc bán đấu giá đối với tài sản đặc thù này.

Định danh các loại tài sản đặc thù

Về tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, Điểm o Khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS quy định gồm tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng, Luật quy định như trên là chưa đầy đủ. Bởi, theo quy định phân loại nợ (Thông tư số 11/2021/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nợ xấu là nợ xấu nội bảng gồm nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5, có nguồn gốc phát sinh từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thực tế, hoạt động ĐGTS đối với tài sản này được các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh thời gian qua. Do vậy, VAMC cho rằng, nên bổ sung quy định đối với tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, VAMC cũng kiến nghị cần nghiên cứu, xây dựng nội dung chi tiết, cụ thể hơn để xác định loại tài sản đặc thù.

Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định đấu giá đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản…

Hiện Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59a quy định đấu giá đối với một số tài sản đặc thù như: quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; tài sản khác theo quy định của Chính phủ.

Đối với các tài sản đặc thù này, theo Dự thảo Luật, người có tài sản có trách nhiệm thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó và thông báo cho tổ chức ĐGTS danh sách người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 1 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

Về tiền đặt trước, người có tài sản đấu giá và tổ chức ĐGTS thỏa thuận tiền đặt trước nhưng tối đa không quá 30% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm của tài sản đấu giá thì tiền đặt trước được xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó…

Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý, rà soát lại mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện các chính sách để quy định pháp lý về ĐGTS đảm bảo tính logic và sự phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chuyên đề