Sửa quy định về phòng cháy, chữa cháy: Kỳ vọng gỡ vướng trong xây dựng công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng đang sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hạng mục phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Doanh nghiệp xây dựng bày tỏ đồng thuận cao với quan điểm sửa đổi QCVN 06:2022/BXD nhưng mong muốn quy định mới sẽ rõ ràng, tiêu chuẩn vật liệu PCCC không quá cao so với công năng công trình...
Dự thảo Sửa đổi 1: QCVN 06:2022 hướng tới thiết lập rõ hơn hành lang pháp lý và kỹ thuật để thiết kế an toàn cháy phù hợp với công trình cụ thể. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Sửa đổi 1: QCVN 06:2022 hướng tới thiết lập rõ hơn hành lang pháp lý và kỹ thuật để thiết kế an toàn cháy phù hợp với công trình cụ thể. Ảnh: Tiên Giang

Gặp khó với yêu cầu vật liệu đáp ứng công trình

Ngày 10/8, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức Tọa đàm Góp ý kiến sửa đổi, bổ sung QCVN 06:2022/BXD. Tại Tọa đàm, ông Phạm Tiến Chiến, đại diện Công ty CP Cơ điện Vinaconex chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện hạng mục PCCC ở một số công trình, dự án. Trong đó, điển hình là những vướng mắc liên quan đến yếu tố R (tính chịu lực), E (tính toàn vẹn), I (tính chịu nhiệt) của vật liệu.

Thực tế thi công trụ sở cho một đơn vị công lập trên địa bàn Hà Nội, công trình có hệ thống lỗ thông tầng và thiết kế yêu cầu phải có rèm ngăn/chống cháy EI tại vị trí này. Theo ông Chiến, trên thị trường hiện chưa có rèm ngăn cháy được kiểm định tiêu chuẩn EI lại buông ở giữa không gian thông tầng, không có cột hay vị trí nào để bám vào như vậy. Công ty phải mất 6 tháng tìm kiếm vật liệu, tiến hành thử nghiệm, sau khi có kết quả thử nghiệm thì mới tiếp tục triển khai.

Ông Chiến cho rằng, với những vị trí PCCC chỉ được thiết kế có tác dụng ngăn khói, tại QCVN 06:2022/BXD nên cân nhắc đối với một số vị trí chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn E (đảm bảo tính toàn vẹn và ngăn khói), việc đáp ứng thêm tiêu chuẩn I (tính chịu nhiệt) sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm vật liệu. Chưa kể vấn đề khác là khó khăn khi đi thử nghiệm đốt, kiểm định vật liệu, trong bối cảnh đơn vị có năng lực kiểm định không nhiều, dẫn tới doanh nghiệp mất nhiều thời gian để kiểm định vật liệu, chi phí kiểm định cao.

Ông Vũ Xuân Thắng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho biết, COMA đang vận hành, sử dụng 1 tòa nhà 16 - 17 tầng (diện tích sàn hơn 500 m2) được thực hiện theo các quy chuẩn trước đó với thiết kế 1 cầu thang phục vụ PCCC độc lập hoàn toàn, 1 cầu thang bộ, xung quanh là các tiện ích công trình như vườn hoa, nhà để xe, bãi đỗ ô tô… Sau khi QCVN 06:2022/BXD ra đời, Tổng công ty được yêu cầu thực hiện theo Quy chuẩn với việc phải có cầu thang sắt thoát nạn ngoài trời, gây tốn kém chi phí cải tạo, sửa chữa và phá vỡ cảnh quan…

Theo ông Thắng, các quy chuẩn áp dụng cần lưu ý tới công năng, mức độ sử dụng vật liệu PCCC, không nên yêu cầu quá cao so với công năng công trình để tránh đội chi phí đầu tư. Việc áp dụng tiêu chí PCCC quá cao đối với các công trình đang xây dựng cũng dẫn tới ách tắc trong triển khai công trình/dự án mới.

Không hạ thấp yêu cầu an toàn cốt lõi

Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện cho Cơ quan soạn thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng Cao Duy Khôi thông tin, vừa qua Bộ Công an đã rà soát các công trình, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Qua kiểm tra 1.182.722 công trình/cơ sở, kết quả cho thấy còn 38.140 công trình/cơ sở đã đi vào hoạt động nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, chiếm tỷ lệ 3,22%.

Ông Khôi cho biết thêm, kể từ khi QCVN 06:2022/BXD được áp dụng, đã có khoảng 700 ý kiến trong 79 văn bản góp ý cho Quy chuẩn và các nội dung liên quan tới quy định về PCCC. Trong đó, khoảng 50% là các ý kiến góp ý trực tiếp cho QCVN 06:2022/BXD và các quy định đã có từ quy chuẩn năm 2010, thậm chí từ năm 1995. Hầu hết các ý kiến đều xuất phát từ góc độ kinh tế, không từ góc độ an toàn con người.

Do việc cân bằng các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và an toàn là không dễ, nên bên cạnh các quy định “tiền định”, ông Khôi thông tin, Dự thảo Sửa đổi 1: QCVN 06:2022 đang được Bộ Xây dựng xây dựng hướng tới thiết lập rõ hơn hành lang pháp lý và kỹ thuật để thiết kế an toàn cháy phù hợp với công trình cụ thể, đồng thời cũng thiết lập hành lang pháp lý để các địa phương được ban hành quy định riêng phù hợp với điều kiện của mình.

Dự thảo Sửa đổi 1: QCVN 06:2022 điều chỉnh phạm vi áp dụng. Theo đó, các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25 m được đề nghị đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh. Do loại nhà này khi xây thường là nhà ở riêng lẻ, sau đó cải tạo kinh doanh, nên khó đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn. Không thể phá vỡ hệ thống, cấu trúc, nguyên lý chung của Quy chuẩn để đáp ứng riêng các đối tượng này. Dự thảo Sửa đổi 1: QCVN 06:2022 dự kiến không áp dụng cho các công trình phục vụ giao thông vận tải (GTVT) và nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) do không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bổ sung các quy định về pháp lý và kỹ thuật, các tài liệu viện dẫn, tiêu chí đánh giá để người thiết kế có thể thiết kế an toàn cháy gắn với điều kiện cụ thể của công trình (thiết kế theo công năng). Mặt khác, cũng đề xuất các thiết kế này chỉ cần thẩm duyệt theo quy định pháp luật, không phải lấy ý kiến Bộ Xây dựng, giúp cắt giảm thủ tục hành chính.

Với các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao..., Dự thảo bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể gắn với các đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng ở Việt Nam, trên nguyên tắc là không hạ thấp các yêu cầu an toàn cốt lõi.

Đại diện nhiều nhà thầu thuộc VACC tán thành quan điểm chuyển các nhà ở kết hợp kinh doanh chiều cao dưới 25 m đưa sang tiêu chuẩn nhà ở kết hợp kinh doanh, không quy định trong QCVN 06:2022.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp lý VACC cho rằng, không nên loại bỏ 2 công trình GTVT và NNPTNT ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo, bởi quy định của pháp luật về xây dựng áp dụng cho đầy đủ 5 loại công trình, nếu bỏ đi 1 - 2 loại công trình thì các công trình này lấy cơ sở nào để thực hiện?

Ngoài ra, đại diện VACC không đồng thuận với quan điểm phân cấp cho địa phương được ban hành quy chuẩn riêng. Với những nội dung chưa cụ thể, chỉ nên cho phép địa phương hướng dẫn, giải thích thêm để phù hợp với các yếu tố khác biệt của địa phương, chứ không nên “sáng tác” thêm quy chuẩn gây lộn xộn, lợi bất cập hại…

Đại diện COMA cho rằng, Dự thảo cần quy định rõ việc không áp dụng cho các công trình đã được xây dựng cũ mà các công trình này vẫn đảm bảo các quy chuẩn tại thời điểm xây dựng.

Chuyên đề