Bộ Xây dựng phản hồi ý kiến "quy chuẩn phòng cháy chữa cháy quá cao"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, ý kiến trên truyền thông trong thời gian qua nói về vướng mắc, khó khăn đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho công trình là do QCVN 06:2022/BXD có yêu cao, không khả thi, không có chuyển tiếp… là chưa chính xác.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Thời gian qua, nhiều phương tiện truyền thông phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD). Trong đó, nổi bật là những quy định liên quan đến sơn chống cháy; giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái; vật liệu hoàn thiện; cải tạo sửa chữa; yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quá cao.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Trong báo cáo, Bộ Xây dựng có phản hồi liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh thời gian vừa qua.

Cụ thể, về sơn chống cháy, Bộ Xây dựng cho biết, QCVN 06:2022/BXD và tất cả các phiên bản quy chuẩn 06 khác đều không quy định về sơn chống cháy, nhưng một số ý kiến lại cho rằng do quy chuẩn mới quy định quá cao. Sơn chống cháy chỉ là một trong những giải pháp trong thực tiễn để bảo vệ kết cấu, còn rất nhiều giải pháp khác. Nếu sử dụng sơn chống cháy, xét trên cùng một công trình nhà xưởng, thì lượng sơn tiêu tốn ở Việt Nam so với thế giới ở mức trung bình thấp, do các yêu cầu về bảo vệ chịu lửa kết cấu của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

"Thông tin cho rằng chỉ có 1, 2 nhãn hiệu sơn chống cháy ở Việt Nam cũng chưa chính xác. Hiện nay ở Việt Nam đã có hàng chục nhãn hiệu sơn chống cháy khác nhau đã được cấp giấy chứng nhận kiểm định theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và khoảng 10 nhãn hiệu sơn theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP", Bộ Xây dựng khẳng định.

Về các yêu cầu giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái, theo Bộ Xây dựng, trước hết đây là yêu cầu cần thiết, để đảm bảo ngăn cháy lan bên trong công trình do cháy lan mặt trong hay mặt ngoài mái, tránh sập đổ sớm phần mái. Các nước trên thế giới đều có những quy định tương tự hoặc cao hơn Việt Nam. QCVN 06:2022/BXD đã cho phép một loạt trường hợp không yêu cầu giới hạn chịu lửa của xà gồ, mái tôn.

Về các yêu cầu đối với đặc tính kỹ thuật cháy của vật liệu hoàn thiện, trước hết, đây là một trong những yêu cầu an toàn cháy cốt lõi. Trong nhiều vụ cháy, việc cháy lan, sinh khói, sinh độc gây nguy hiểm cho con người đều do cháy vật liệu hoàn thiện, điển hình là vụ cháy karaoke An Phú - Bình Dương năm 2022. Quy định về tính cháy của vật liệu hoàn thiện là yêu cầu bắt buộc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy trên thế giới. Một số nước còn yêu cầu giới hạn tính cháy đối với cả nội thất trong nhà.

Các quy định này đã có từ phiên bản QCVN 06:2010/BXD, cách đây đã 13 năm nhưng đến giờ mới được lưu ý.

Về cải tạo sửa chữa, so với các phiên bản quy chuẩn trước đây, QCVN 06:2022/BXD đã làm rõ các nội dung cải tạo sửa chữa cần tuân thủ quy chuẩn và thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng. Điều 1.1.4 của quy chuẩn quy định rõ, chỉ được áp dụng quy chuẩn trong phạm vi cải tạo sửa chữa đó và chỉ trong trường hợp cải tạo sửa chữa này làm tăng nguy cơ cháy của công trình. Không được áp dụng quy chuẩn ra ngoài phạm vi cải tạo sửa chữa. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp hiểu sai, cho rằng phải áp dụng quy chuẩn mới cho toàn bộ công trình, hoặc một phần công trình có liên quan đến hạng mục cải tạo sửa chữa. Nội dung này sẽ được Bộ Xây dựng xem xét đưa vào trong tài liệu hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD.

Theo Bộ Xây dựng, so sánh tương quan với một số quốc gia khác, các quy định an toàn cốt lõi của QCVN 06:2022/BXD là không cao. Đơn cử, với nhóm nhà xưởng công nghiệp, QCVN 06:2022/BXD cho phép tăng diện tích khoang cháy trong nhà xưởng từ 2 lần đến không hạn chế, phù hợp với yêu cầu mặt bằng sộng, không ngăn chia cho các dây chuyền sản xuất. Đồng thời cho phép giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà xưởng… So sánh với các quốc gia (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Singapore, Indonesia…), các quy định của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

Bộ Xây dựng cho biết, thực tế nhiều đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC đã lựa chọn các giải pháp không phù hợp, cao hơn quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn để thẩm duyệt thuận lợi hơn. Ví dụ có những dự án lựa chọn cửa chống cháy EI 70, trong khi quy chuẩn chỉ yêu cầu có 3 mức là EI 60, EI 30 và EI 15 tùy từng vị trí cụ thể; hoặc có dự án chọn màn ngăn cháy EI 150, trong khi tại vị trí đó chỉ yêu cầu EI 45. Sau đó vướng mắc trong thi công, nghiệm thu PCCC và đổ lỗi cho quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc cơ quan cảnh sát PCCC.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06:2022/BXD nói riêng, nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai. Có những nội dung đã được quy định từ lâu nhưng không được quan tâm, đến nay khi tăng cường quản lý về PCCC mới nhận thức được, cho thấy còn hạn chế nhất định về nắm bắt và tuân thủ các quy định.

Chuyên đề