Quy định phòng cháy chữa cháy làm khổ hàng loạt DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong nhiều khó khăn hiện hữu, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, khó khăn, vướng mắc rõ nhất là quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Vướng mắc này đang cản trở hoạt động của DN, cần sớm được tháo gỡ.
Nhiều công trình đang bị “tắc” khi nghiệm thu hạng mục phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa: SL
Nhiều công trình đang bị “tắc” khi nghiệm thu hạng mục phòng cháy chữa cháy. Ảnh minh họa: SL

Qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của DN, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều DN trên địa bàn đang gặp vướng mắc trong thực hiện các quy định về PCCC. DN mong cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc này, giúp DN bớt khó, thêm cơ hội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Thập, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành lại cao hơn những quốc gia phát triển. Sự thiếu hợp lý trong quy định về kiểm định vật liệu PCCC gây tốn kém chi phí cho DN.

Cụ thể, hiện hầu hết DN có công trình thiết kế và xây dựng ở giai đoạn QCVN 06:2021/BXD có hiệu lực, nhưng lại nghiệm thu tại thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực đang bị “tắc” ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực. Đơn cử, việc bọc bảo vệ kết cấu chịu lực (dầm, cột…) theo quy chuẩn cũ thì có thể phun vữa và bọc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định, nhưng theo quy chuẩn mới thì biện pháp không được đề cập.

“DN áp dụng biện pháp nào thì phải chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của biện pháp đó. Bất cập này khiến chi phí phát sinh đội lên quá khả năng xử lý của DN”, ông Thập phản ánh.

Cũng theo ông Thập, trên thế giới, vật liệu mái tôn không cần đốt để kiểm định chịu lửa nhưng thực thi quy định về PCCC tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhiều mẫu kết cấu bắt buộc phải thử nghiệm chịu lửa. Khi thử nghiệm thì gần như 100% các kết cấu đều biến dạng cho dù đạt yêu cầu hay không, đồng nghĩa với việc mẫu thử nghiệm không thể sử dụng hoặc tái sử dụng. Với các kết cấu có chi phí thấp thì không phải vấn đề lớn nhưng với một số kết cấu đắt đỏ thì đây là sự lãng phí không cần thiết. Trong khi đó, hiện Việt Nam không có tiêu chuẩn đốt, phải đợi cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đốt thì mới thẩm định được. Mặt khác, hiện cả nước chỉ có 1 lò đốt của Viện Tư vấn xây dựng thuộc Bộ Xây dựng với giá cao, nhà sản xuất phải xếp hàng mất rất nhiều thời gian và chi phí.

“Tất cả những vấn đề này đang gây khó khăn và tốn kém chi phí cho DN trong việc tuân thủ quy định về PCCC”, ông Thập lên tiếng.

Liên quan đến quy định về PCCC, Công ty TNHH Phát triển y học Việt cũng phàn nàn về những vướng mắc đang làm khổ DN trong việc mở rộng kinh doanh. DN này đang sở hữu 1 bệnh viện quy mô 400 giường, 4 phòng khám và đang trong quá trình đầu tư xây dựng một bệnh viện quy mô 300 giường, đồng thời xúc tiến đầu tư 3 bệnh viện quy mô 100 giường bệnh. Tuy nhiên, qua tham khảo QCVN 06:2022/BXD, nhận thấy có nhiều bất cập, cản bước tiến của DN.

Chẳng hạn, quy định tại Bảng 6 - Phân nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng thuộc QCVN 06:2022/BXD, bệnh viện được xếp vào nhóm F1.1, theo bảng B.8 - Phạm vi áp dụng của vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát và vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn, chiều cao tối đa của công trình xây dựng bệnh viện là 9 tầng hoặc 28 m.

Theo DN này, đây là quy định hết sức vô lý, đặc biệt với những công trình xây dựng bệnh viện tại các khu đô thị, thành phố lớn - nơi “tấc đất hơn cả tấc vàng”, bắt buộc đầu tư bệnh viện phải bố trí cao tầng nếu quy mô của bệnh viện lớn. Trên thực tế, tại tuyến trung ương, các bệnh viện cao hơn 10 tầng, thậm chí cao hơn 20 tầng không hiếm. Do đó, quy định chiều cao tối đa là 9 tầng rất thiếu tính thực tế và gây hạn chế đầu tư, mở rộng phạm vi của các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế tư nhân, các nhà đầu tư mới.

Ở loại hình kinh doanh khác, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nhật Tân cho biết, showroom bày bán xe ô tô và xưởng dịch vụ sửa chữa xe ô tô của Công ty đã được cơ quan cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ thẩm duyệt hệ thống PCCC theo quy định, Công ty đã thi công các hạng mục theo hồ sơ thẩm duyệt. Song do quy định của pháp luật về PCCC có sự thay đổi (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình), cần bổ sung thêm nhiều thiết bị hơn nên hệ thống PCCC của Công ty chưa đủ điều kiện được nghiệm thu.

Điều đáng nói, trong quá trình sử dụng, Công ty nhận thấy các thiết bị đã đầu tư đủ điều kiện sử dụng cho công tác PCCC, để bổ sung thêm các hạng mục mới thì phải đầu tư hàng tỷ đồng. Trong giai đoạn tài chính khó khăn như hiện nay, việc đầu tư thêm khoản kinh phí lớn này là quá khó…

Trước đó, nhiều DN cũng như hiệp hội DN các địa phương cũng có phản ánh về những vướng mắc liên quan đến quy định về PCCC và mong sớm được tháo gỡ.

Chuyên đề