Doanh nghiệp tiếp tục phàn nàn vướng mắc về PCCC

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Đối thoại cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) tổ chức ngày 20/7/2023, các hiệp hội DN cũng như các DN ở nhiều ngành hàng tiếp tục phàn nàn về những khó khăn, vướng mắc do bất cập trong các quy định về PCCC đã và đang ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh. 
Hội nghị Đối thoại cơ quan quản lý và doanh nghiệp về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức ngày 20/7/2023
Hội nghị Đối thoại cơ quan quản lý và doanh nghiệp về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức ngày 20/7/2023

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07) thuộc Bộ Công an cho biết, C07 cũng như cơ quan liên quan đã và đang tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này trên tinh thần vừa thúc đẩy DN phát triển nhưng vẫn đảm bảo an toàn về PCCC cho người dân, DN.

Doanh nghiệp chất vấn liệu có “cài cắm” giấy phép con?

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Nhiên - đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà các DN của bà đang gặp phải liên quan đến việc tuân thủ quy định về PCCC. Theo bà Liên, một trong những quy định tại QCVN 06:2022/BXD, trong đó quy định về chiều cao của kệ hàng dưới 5,5 m thì tuân thủ theo quy chuẩn, còn từ 5,5 m trở lên sẽ phải theo phương án riêng và thẩm định riêng. "Không biết ở chỗ này liệu có "cài cắm" gì không nhưng thực sự quy định này rất bất cập", bà Liên phản ánh.

Bà Liên cho biết, hiện nhiều quốc gia xây dựng các kho hàng cao hàng chục mét, sử dụng xe nâng để lấy hàng. "Trong các kho hàng đó, số lượng người phục vụ rất ít, nếu có cháy thì chạy ra ngoài rất nhanh. Do đó, việc QCVN 06:2022/BXD quy định kệ hàng như trên không phù hợp với thực tiễn kinh doanh của DN", bà Liên cho hay.

Một điểm bất cập khác cũng được đại diện hiệp hội này nhắc tới là việc thay đổi công năng sản xuất của các nhà xưởng cũng là chuyện bình thường trong bối cảnh kinh tế phát triển. Bà Liên cho biết, trong Hiệp hội của bà, có những hội viên trước đây kinh doanh dệt may, xuất khẩu gỗ nên nhà xưởng đã có phương án PCCC và cấp thẩm quyền đã phê duyệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh các mặt hàng này khó khăn, các DN đó đã chuyển sang kinh doanh trái cây đóng hộp nhưng cơ quan PCCC địa phương yêu cầu phải thẩm định lại, phê duyệt lại phương án PCCC. "Yêu cầu này là sự cứng nhắc không cần thiết và gây khó khăn cho DN", bà Liên lên tiếng.

Ông Nguyễn Thành Huy, đại diện Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, DN có đầu tư một nhà máy sữa ở khu vực miền Bắc và nhà máy này đã đi vào hoạt động khoảng 10 năm nay. Thời điểm đó, Nhà máy đã đầu tư hệ thống PCCC với mức chi phí khoảng trên 3 tỷ đồng và được cơ quan PCCC nghiệm thu và không hề đề cập đến hệ thống hút khói tự động. Tuy nhiên, vừa qua, rà soát lại hệ thống PCCC, cơ quan cảnh sát PCCC chỉ ra là Nhà máy chưa đáp ứng yêu cầu và đề nghị bổ sung hệ thống hút khói tự động. "Vấn đề là việc đầu tư hệ thống này ước tính chi phí tới hơn 10 tỷ đồng - chi phí quá cao. Thêm vào đó, DN phải dừng sản xuất thì mới có thể triển khai được…", ông Huy lo lắng.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang; đại diện Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam; đại diện Hiệp hội DN TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa)… cũng phản ánh khó khăn, vướng mắc của DN về PCCC.

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, Chủ tịch Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam (VFRA) cho biết, thời gian qua, VFRA nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh liên quan đến khó khăn của DN về PCCC.

"Rất nhiều DN đang gặp phải những khó khăn vướng mắc liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC. Cụ thể, trong tháng 3/2023, Hiệp hội nhận được 232 ý kiến từ các DN, trong đó có 74% số DN nêu vướng mắc trong thực hiện QCVN 06:2022/BXD của Bộ Xây dựng, 14% vướng mắc liên quan đến QCVN 03:2021/BCA của Bộ Công an, 12% liên quan đến TCVN 3890:2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ…", ông Cương cho biết.

Doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị

Đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh

Tại phiên đối thoại, đại diện C07, đại diện Bộ Xây dựng đã làm rõ những phản ánh của các DN nêu. Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, quan điểm của Cục cũng như Bộ Công an là mong muốn đồng hành trong việc tháo gỡ cho DN, người dân về PCCC trên tinh thần vừa thúc đẩy DN phát triển nhưng vẫn đảm bảo an toàn về PCCC.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh cho biết, những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng được tăng cường. Cùng với đó, các công trình nhà ở, khu công nghiệp… được xây dựng ngày càng nhiều, gia tăng số lượng, quy mô, tính chất hoạt động. Theo đó, tình hình cháy nổ cũng ngày càng phức tạp. Số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ cháy gây thiệt hại nặng nề người và tài sản.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên toàn quốc. Ngày 7/10/2022, Bộ Công an cũng ban hành kế hoạch kiểm tra để chỉ đạo các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổng rà soát để kiểm tra 100% các cơ sở thuộc diện quản lý PCCC&CNCH. Qua rà soát, phát hiện 47.719 cơ sở trên tổng số hơn 1,182 triệu cơ sở thuộc diện rà soát vi phạm quy định về PCCC&CNCH.

Thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ PCCC, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương nghiêm túc thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN; thiết lập đường dây nóng, tổ chức đối thoại áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC; phổ biến các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cho người dân, DN; sửa đổi, bổ sung những vướng mắc bất cập trong quy định về PCCC… "Đến nay, khoảng 10.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh đã tháo gỡ khó khăn", ông Tuấn Anh thông tin.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có thực hiện quy định về PCCC nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, DN, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC còn liên quan đến sự thuận lợi, hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh cũng như sự phát triển của DN. Do đó, quy định về PCCC phù hợp, rõ ràng, quy trình minh bạch với chi phí vừa phải sẽ thusc đẩy sự phát triển của DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; ngược lại, nếu quy định không phù hợp, thiếu rõ ràng, chi phí quá tốn kém thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh kinh doanh và sự phát triển của DN.

"Vì vậy, sự cân bằng, hài hòa giữa quản lý nhà nước về PCCC và sự phát triển của DN là đặc biệt quan trọng, từ đó, hỗ trợ DN phát triển thuận lợi, bền vững", ông Tuấn bày tỏ.

Để giải quyết tận gốc khó khăn, vướng mắc của DN liên quan đến PCCC, đại diện VFRA đề nghị, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc sửa đổi chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN, các DN cũng cần tích cực tham gia vào việc đóng góp ý kiến, phản biện chính sách để vừa nâng cao hiệu quả chính sách, đồng thời tạo thuận lợi cho DN thực hiện.

Chuyên đề