Sửa đổi, bổ sung 250 định mức xây dựng, gỡ nhiều vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 15/10/2024, Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD có hiệu lực thi hành. Nhiều định mức được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thi công xây dựng, tháo gỡ nhiều vướng mắc trong áp dụng, nhất là tại các công trình giao thông, đồng thời giải quyết khó khăn cho nhà thầu. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) về thông tư này.
Thông tư 09/2024/TT-BXD đã điều chỉnh, bổ sung khoảng 110 định mức cho công tác xây dựng công trình giao thông. Ảnh: Tiên Giang
Thông tư 09/2024/TT-BXD đã điều chỉnh, bổ sung khoảng 110 định mức cho công tác xây dựng công trình giao thông. Ảnh: Tiên Giang
Ông Đàm Đức Biên

Ông Đàm Đức Biên

Qua rà soát của Bộ Xây dựng, có những vấn đề nào nổi lên đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các định mức xây dựng, thưa ông?

Sau 3 năm áp dụng, một số định mức ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD đã không còn phù hợp với sự thay đổi của hệ thống tiêu chuẩn mới được ban hành, công bố; biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới được đưa vào sử dụng hoặc bộc lộ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng.

Qua tổng kết ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nghề nghiệp, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, Bộ Xây dựng đã tổng hợp các tồn tại, bất bập, các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 12/2021/TT-BXD. Đó là, cần bổ sung định mức một số công tác xây dựng chủ yếu của công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được ban hành; bổ sung, cập nhật định mức theo hệ thống tiêu chuẩn xây dựng mới; quy định áp dụng của một số định mức dự toán xây dựng không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn hoạt động xây dựng.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng Thông tư sửa đổi, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức khảo sát trực tiếp tại một số dự án giao thông trọng điểm để thu thập thông tin, số liệu làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung định mức công tác xây dựng quan trọng, cấp thiết của công trình giao thông theo nhiệm vụ được giao tại Công điện số 02/CĐ-TTg.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD.

Vậy những định mức nào được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 09/2024/TT-BXD, thưa ông?

Tổng cộng có 250 nội dung sửa đổi, bổ sung định mức, bao gồm 194 định mức dự toán xây dựng công trình, 14 định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng, 2 định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ, 40 định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng (định mức chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư).

Trong đó, Thông tư đã điều chỉnh, bổ sung định mức chủ yếu cho các công tác xây dựng công trình giao thông, khoảng 110/250 định mức liên quan trực tiếp đến 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không. Một số định mức liên quan đến những công tác quan trọng như đắp đất nền đường bằng máy lu rung 25 tấn theo yêu cầu đầm nén cải tiến; thi công móng cấp phối đá dăm, đá ­dăm gia cố xi măng; rải thảm mặt đường bê tông nhựa…

Việc ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BXD đã kịp thời góp phần hoàn thiện hệ thống công cụ, tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng có đầy đủ công cụ để phục vụ công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Dù Bộ Xây dựng đã cập nhật, bổ sung, nhưng không thể tránh khỏi việc định mức đi sau công nghệ xây dựng mới. Vậy làm thế nào để xây dựng, ban hành định mức kịp thời, đặc biệt là các định mức chuyên ngành, đặc thù, theo kịp sự thay đổi của công nghệ, điều kiện thi công?

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hệ thống định mức xây dựng phải được rà soát, cập nhật định kỳ 3 năm một lần hoặc sớm hơn khi cần thiết, để phục vụ việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, góp phần nâng cấp vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Đây là nhiệm vụ thường xuyên được Bộ Xây dựng chú trọng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ động rà soát hệ thống định mức xây dựng đã được ban hành sử dụng chung theo thẩm quyền, đồng thời chủ động hướng dẫn, phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, địa phương tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, của địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và thực tiễn.

Để thuận lợi trong triển khai, Bộ tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, phân định phạm vi, trách nhiệm rà soát, xây dựng các định mức sử dụng chung, định mức chuyên ngành, đặc thù của Bộ Xây dựng và các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các địa phương, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất trong quản lý, từ đó xây dựng kế hoạch tổng thể hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng cho những năm tiếp theo; tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu để ban hành, đồng thời vận hành, quản lý khai thác có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng.

Bên cạnh đó, để quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả, Bộ cũng sẽ tập trung rà soát các nội dung còn bất cập, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý chi phí đầu tư xây dựng để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với thực tế và khả thi trong triển khai.

Chuyên đề